Nhập gia tùy tục

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù cuộc sống hiện đại, mọi dịch vụ đều có sẵn và nhiều gia đình cũng không quá chú trọng vào chuyện sắm Tết, ăn Tết, nhưng với các cô gái mới chân ướt chân ráo bước về nhà chồng, “vập” vào cái Tết đầu tiên vẫn đầy bỡ ngỡ. Bởi thế, trên các diễn đàn, các trang mạng, trong những câu chuyện ngày cuối năm, dường như những “kinh nghiệm lo Tết nhà chồng” vẫn ẩn chứa không ít điều về cách sống, cách ứng xử trong gia đình.

 Ảnh minh họa.
Một phụ nữ trẻ kể, mới cưới được hơn một tháng là đến Tết. Vì là dâu mới nên cô được ưu tiên thể hiện hết mình khả năng quán xuyến nhà cửa. Càng bỡ ngỡ hơn khi cô được giao “trọng trách” đi sắm Tết. Dù rất bối rối, nhưng sắm Tết cũng chưa phải là việc khó nhất, bởi mình có thể mua thừa hoặc thiếu có thể bổ sung. Việc khó nhất là đối mặt với mâm cỗ cúng gia tiên, cô thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng, cô chỉ còn cách thú thật với mẹ chồng. “Thật may biết bao, mẹ chồng bảo sẽ từ từ hướng dẫn để mình biết làm tất cả mọi thứ. Năm nay thì mình tự tin đảm bảo rằng, Tết, có thể tự tay làm thành thục mọi việc”, cô chia sẻ.
Từ câu chuyện của những nàng dâu mới, đếu câu chuyện của một người đã làm dâu có “thâm niên” gần chục năm. Chị đã quen với nếp sống nhà chồng cũng vẫn rơi vào bối rối với cái chuyện Tết ở nhà chồng. Tuy bố mẹ chồng không năm nào có ý kiến gì khiến chị phật ý, nhưng cái cảm giác lo ngại vẫn cứ ngự trị trong chị bởi phận làm dâu phải chu toàn mọi việc, đặc biệt chuyện nội trợ cho những ngày vui xuân đón Tết là lẽ đương nhiên. Mặc dù bây giờ đã có dịch vụ nấu cỗ ngày Tết, nhưng cũng không bao giờ chị dám lạm dụng quá nhiều, bởi khó tránh điều tiếng “ngày Tết mà để bếp lạnh”.

Qua những câu chuyện ấy, nhiều nhà tâm lý cho rằng, tưởng chừng việc tạo nên không khí gia đình vui vẻ trong mấy ngày Tết không hề khó, bởi Tết đã là vui rồi. Nhưng để có được cái Tết thực sự, những người làm dâu, người nội trợ trong gia đình nếu có được cách ứng xử hay, sẽ tạo ra được sự đoàn tụ và bầu không khí ấm cúng, ấy mới là điều cần có trong ngày Tết. Kinh nghiệm của những người đi trước cho thấy rằng, cái câu “nhập gia tùy tục” quả không sai. Các cô dâu là khi về nhà chồng nên tìm hiểu kỹ về phong tục nhà chồng, đặc biệt là phong tục trong dịp Tết, chuyện bếp núc, ứng xử với họ hàng... Nhưng quan trọng hơn là phải tạo được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình nhà chồng, có như vậy mới không cảm thấy bỡ ngỡ, ngại ngùng và e dè. Làm dâu sẽ vất vả để có thể gánh vác khi nhà có giỗ, Tết, nên phải cố gắng rất nhiều, nếu có được sự chỉ bảo, họ sẽ biết định liệu thế nào cho phải, đặc biệt trong ngày Tết.