Nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 5 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng mạnh về khối lượng và giá trị.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 5/2017 đạt 427.000 tấn với giá trị 119 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu phân bón 5 tháng đầu năm 2017 đạt 2,01 triệu tấn và giá trị ước đạt 547 triệu USD, tăng 31,8% về khối lượng và tăng 24,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 230.000 tấn với giá trị đạt 60 triệu USD, tăng 22,4% khối lượng và tăng 32,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Nhập khẩu phân SA ước đạt 423.000 tấn với giá trị nhập khẩu đạt 50 triệu USD, tăng 9,6% về khối lượng và tăng 4,4% về giá trị so với năm 2016.

Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu trong 4 tháng đầu năm 2017 đến từ Trung Quốc. So với năm 2016, thị trường Trung Quốc đã tăng cả khối lượng và giá trị đồng thời chiếm tới 39,1% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này. Khối lượng nhập khẩu phân bón trong 4 tháng đầu năm 2017 tăng tại hầu hết các thị trường chính trừ 2 thị trường là Canada và Malaysia. Trong đó, thị trường tăng mạnh nhất là Indonesia, tăng hơn 3 lần về cả khối lượng và giá trị.

Về thuốc trừ sâu và nguyên liệu, ước giá trị nhập khẩu trong tháng 5/2017 đạt 98 triệu USD, nâng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 400 triệu USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 4 tháng đầu năm 2017 chủ yếu là từ Trung Quốc, chiếm tới 53,4% tổng giá trị của mặt hàng này.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng mạnh tại thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc và Ấn Độ với giá trị tăng lần lượt là 59,2%, 50,2%, 44,3%, 43,4% và 36,2%. Ở các thị trường khác, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu giảm. Trong đó thị trường có giá trị giảm nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm 2017 là Indonesia và Malaysia với giá trị nhập khẩu giảm lần lượt là 18,8% và 12,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần