Nhập khẩu thịt lợn bất ngờ gặp khó

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi mới chỉ dừng ở bước đầu, trong khi đó, việc nhập khẩu thịt lợn hiện đứng trước nhiều khó khăn. Điều này khiến nguồn cung thịt lợn trong nước có nguy cơ bị thiếu hụt.

Nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh
Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước, từ trước Tết Canh Tý 2020, Chính phủ đã có chủ trương nhập khẩu thịt lợn cũng như các loại thịt động vật khác nhằm bù đắp thiếu hụt thị trường trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Thực hiện chủ trương trên, khoảng 600 DN đã tham gia nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, có 150 DN nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn.
 Chăn nuôi lợn tại trang trại của Tập đoàn Mavin. Ảnh: Trọng Tùng
Thống kê cho thấy, trong năm 2019, các DN đã nhập khẩu tổng cộng 280.474 tấn thịt động vật các loại (tăng khoảng 17% so với năm 2018). Riêng tháng 1/2020, tổng khối lượng thịt gia súc, gia cầm được nhập khẩu là 10.151 tấn. Trong đó, khối lượng thịt lợn nhập khẩu trong tháng 1/2020 là 4.535 tấn và tiếp tục có xu hướng tăng. Khối lượng thịt lợn trên được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia như Đức (25,3%), Ba Lan (20,52%), Canada (16,79%), Mỹ (12,4%)…
Hệ lụy từ dịch bệnh “kép”
Sản lượng thịt lợn nhập khẩu trong năm 2020 được Bộ NN&PTNT dự báo là sẽ còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, bài toán nhập khẩu thịt lợn lại không dễ trong bối cảnh hiện nay. Đại diện một số DN cho biết, thông thường, các đơn hàng thịt lợn từ châu Âu, châu Mỹ được đặt mua và chuyển về Việt Nam sẽ cần khoảng thời gian từ 1,5 – 2 tháng (đi bằng tàu biển).
Việc nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ hiện cũng rất khó khăn bởi giá, thuế và chi phí vận chuyển cao. Đáng chú ý, Trung Quốc bị thiệt hại rất nặng nề do dịch tả lợn châu Phi đang cần rất nhiều thịt lợn.
Hiện, giá thịt lợn tại Trung Quốc rất cao, do đó, các DN Trung Quốc sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn các DN Việt Nam từ 20 – 30%. Điều này khiến các DN trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu mặt hàng này. Cùng với đó, việc tìm được các nguồn cung cấp với giá cả hợp lý là điều không dễ dàng do diễn biến của dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước về lâu dài, từ tháng 10/2019, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tập trung tái đàn theo hướng an toàn sinh học, tại các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đến nay, nhiều địa phương đã tái đàn nhanh, hiệu quả như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên…
Các DN chăn nuôi lớn cũng đã tăng tổng đàn thêm từ 5 – 15% kể từ sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Cùng với sản lượng lợn từ các trang trại, hộ chăn nuôi, theo ông Phùng Đức Tiến, dự kiến nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 có thể đạt khoảng 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh).
Mặc dù vậy, để có thể bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước năm 2020, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện trong việc thông quan hàng thịt lợn nhập khẩu. Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ tối đa các DN trong việc tìm kiếm những nguồn hàng thịt lợn có giá cả hợp lý tại Mỹ và các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ nhằm khuyến khích các DN trong nước đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này.

Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước có thể cung ứng cho thị trường từ tháng 2 – 6/2020 trung bình khoảng 350 tấn/tháng. Trong quý III, quý IV/2020, dự báo khối lượng thịt lợn cung cấp đạt khoảng 1 - 1,15 triệu tấn/quý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần