Nhập lậu đường trở thành nguy cơ lớn, ngày càng tinh vi, phức tạp

Như Hương - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/11, chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại hội trường, đại biểu quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đặt câu hỏi: với phạm vi và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có khuyến cáo gì để ổn định thị trường đường cũng như bảo vệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành kinh tế nông nghiệp nói chung, bảo vệ người nông dân trồng mía và doanh nghiệp mía đường trong nước nói riêng trước sân chơi hội nhập đầy thử thách này?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường sẽ được xóa bỏ từ ngày 1/1/2020. Thời điểm này báo cáo với đại biểu Phương và Quốc hội là chúng ta khi ký kết tham gia khu vực AFTA thì có hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA thì đã có hiệu lực với cam kết của chúng ta thì mở cửa thị trường đường bắt đầu từ năm 2018 và Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong ASEAN mở cửa thị trường đường cho các nước tham gia trong nội khối.
Cũng Bộ trưởng cho rằng: "Nếu như chúng ta không vượt được qua, không khắc phục được những nguyên nhân chủ quan thì năng lực cạnh tranh của ngành đường sẽ tiếp tục và kéo dài ở mức thấp, gây ra những hậu quả không chỉ cho ngành mía đường mà cả người nông dân trồng mía, những người tham gia trong chuỗi sản phẩm này."
Cũng theo Bộ trưởng, nguyên nhân khách quan là những câu chuyện về sự cạnh tranh từ thị trường nước ngoài. Bộ trưởng cũng khẳng định: "Rõ ràng, năng lực cạnh tranh và lợi thế của họ lớn hơn hẳn chúng ta từ Thái Lan cho đến Brazil, Trung Quốc, Úc hay Ấn Độ…" 

Về vấn đề đường nhập lậu, Bộ trưởng thừa nhận: "thực sự đây đang trở thành nguy cơ lớn với quy mô nhập lậu rất lớn và đang tổ chức ngày càng tinh vi, phức tạp. Đây cũng là nội dung trong công tác quản lý nhà nước của lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương, chúng tôi cũng xin báo cáo phần sau, sẽ có những kế hoạch triển khai cụ thể để phối hợp cùng với ngành mía đường, Bộ NN&PTNT để bảo vệ thị trường mía đường trong nước”.

Về vấn đề liên quan câu chuyện cơ chế mở cửa thị trường đường, Bộ trưởng cho biết: “Về nguyên tắc cam kết quốc tế ATIGA nên chúng ta phải thực hiện và báo cáo với Quốc hội, trong kỳ họp của Hội đồng ASEAN trong hai năm 2018-2019 các nước đều phản ứng chính thức với chúng ta về việc chúng ta lùi thời hạn mở cửa thị trường đường và cái này theo ý kiến của Hiệp hội Mía đường và của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã tổng hợp và phân tích báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã có ý kiến chính thức cho lùi thời hạn mở cửa thị trường mía đường đến ngày 1/1/2020.

Nhưng khi thông báo cho ASEAN thì các nước đều phản ánh rất mạnh mẽ và thậm chí có những nguy cơ họ phản ứng dưới hình thức là trừng phạt hoặc họ rút lại những cam kết mở cửa thị trường ở các lĩnh vực khác của họ với chúng ta. Hiện nay, các nước ASEAN đã cơ bản đồng thuận, chấp nhận cho Việt Nam mở cửa thị trường đường vào 1/1/2020.”

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng: “Nếu như chúng ta tiếp tục lui nữa và không thực hiện mở cửa thì sẽ gây ra những ảnh hưởng rất xấu đến tiến trình hội nhập của chúng ta và nhất là ảnh hưởng đến các hiệp định khác như hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết ở các đối tác khác. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch của năm ASEAN và sẽ chủ trì các chương trình hoạt động của ASEAN và các hoạt động tại Việt Nam. Vì thế, Chính phủ đã thống nhất thực hiện quyết định mở cửa thị trường đường vào năm 2020.”

“Báo cáo với Quốc hội, trong quá trình hội nhập chúng ta cũng có những công cụ, cơ chế pháp lý để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước như chính sách phòng vệ thương mại. Nếu như sau khi mở cửa thị trường, nếu đường nhập khẩu vào Việt Nam mà gây ra đe dọa nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước và lợi ích của người dân trong nước thì chúng ta có quyền áp dụng cơ chế phòng vệ, áp thuế tự vệ cho các sản phẩm nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.” – Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng khẳng định: “Chúng tôi cũng cam kết với Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường, Bộ NN&PTNT cũng như các chủ thể trong ngành công nghiệp mía đường để có những giải pháp cụ thể và kịp thời, trong đó có cả đấu tranh chống buôn lậu, ngăn chặn nhập khẩu đường gian lận vào Việt Nam cũng như bảo vệ bằng các biện pháp khung pháp lý cho ngành sản xuất. Tuy nhiên, biện pháp tái cơ cấu, nâng cao năng lực hiệu quả cạnh tranh của ngành đường là cơ bản để đảm bảo hiệu quả chung.”

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần