Nhập nhằng lương tháng 13 và thưởng Tết

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhiều chuyên gia lao động, tiền lương tháng thứ 13 và thưởng Tết đều có lợi cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, hai khoản tiền này cần được thông tin công khai, rõ ràng, tránh gây hiểu nhầm cũng như tạo mối quan hệ hài hòa giữa chủ sử dụng và NLĐ.

Công nhân làm việc tại Công ty CP May 10. Ảnh: Thanh Hải
Lương tháng 13 không thể coi là thưởng Tết
Tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2019 tiếp tục có sự tăng trưởng, tạo thuận lợi cho các DN có điều kiện chăm sóc tốt hơn đến đời sống NLĐ. Tiền lương và thưởng của NLĐ đều tăng hơn so với năm trước. Đến nay đã có 40 tỉnh, TP với gần 25.000 DN báo cáo có phương án thưởng Tết cho NLĐ. Theo đó, mức thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý bình quân khoảng 1 tháng lương, tương đương 6,71 triệu đồng/người, tăng 7,2% so với dịp Tết Nguyên đán 2019. Một số DN có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt, ngoài tiền mặt, NLĐ còn được thưởng sản phẩm do chính DN sản xuất ra hay bằng cổ phiếu, tour du lịch hoặc chế độ khác.
Theo tôi, DN vẫn duy trì trả tháng lương thứ 13 và thưởng Tết cho NLĐ. Trường hợp DN không thưởng Tết phải thông báo rõ ràng với NLĐ.
Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - PGS.TS Vũ Quang Thọ
Có những DN làm ăn tốt đã lên kế hoạch trả tháng lương thứ 13 và thưởng Tết cho NLĐ. Lại có những DN dự kiến trả lương tháng 13 nhưng thông tin với NLĐ đây là thưởng Tết khiến không ít người băn khoăn. Bàn về vấn đề này, không ít chuyên gia lao động cho rằng: Lương tháng thứ 13 thực tế là tiền tiết kiệm được lấy trong quỹ lương, ngay từ đầu năm đã được DN đưa vào kế hoạch trả cho NLĐ (dựa trên thỏa ước lao động tập thể giữa chủ sử dụng lao động và đại diện của NLĐ). Tiền thưởng Tết được lấy từ quỹ phúc lợi xã hội do nguồn lợi nhuận của DN mang lại. Ngoài việc thưởng Tết, nguồn quỹ phúc lợi xã hội còn được dùng để hỗ trợ NLĐ về xăng xe, may đồng phục, ăn bữa trưa... Do đó, theo ông Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Xã hội, Bộ LĐTB&XH: “DN trả tháng lương 13 cho NLĐ nhưng nói rằng thưởng Tết là không đúng, làm cho NLĐ hiểu sai vấn đề”.
Còn theo quan điểm của Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam -PGS.TS Vũ Quang Thọ: “Tiền thưởng Tết được xét theo mức độ đánh giá xếp loại thi đua cho NLĐ, cao nhất là xuất sắc, rồi đến tốt, khá, trung bình. Phần thưởng có thể không nhiều nhưng ý nghĩa của nó lại rất lớn. NLĐ làm việc mang lại kết quả rất tốt được thưởng nhiều tiền, người làm ít thì thưởng ít. Còn tháng lương thứ 13 thực ra là phần tiết kiệm từ quỹ lương - DN phải trả cho NLĐ chứ không thể coi đó là tiền thưởng Tết”.
Công khai, tách bạch 
Theo quy định của pháp luật lao động, tiền lương, tiền thưởng do NLĐ và chủ sử dụng lao động thỏa thuận. Trong đó, tiền thưởng chủ yếu phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Thực tế hiện nay, thưởng Tết cho NLĐ đã trở thành văn hóa DN. Vì thế, các DN cần có sự tách bạch giữa tháng lương thứ 13 phải trả cho NLĐ và thưởng Tết, chứ không thể "đánh lận con đen".
Trước ý kiến đề nghị DN nên trả luôn tiền lương tháng 13 vào các tháng trong năm, như thế NLĐ có cơ hội được tham gia các loại bảo hiểm với mức cao hơn, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho rằng đây chỉ là một góc độ. Bởi chủ sử dụng lao động muốn dành trả tiền lương tháng 13 vào dịp Tết để chứng minh với các DN khác là đơn vị mình có nguồn lực, thưởng cho NLĐ nhiều tiền.
Còn Nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm xã hội, trường Đại học Kinh tế quốc dân - PGS.TS Nguyễn Văn Định cho rằng, theo luật, chủ sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm cho NLĐ một cách nghiêm túc. Những người bên ngoài rất khó để xác định DN trả tháng lương được lấy từ nguồn quỹ lương hay phúc lợi xã hội vì liên quan đến hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ. Ông Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, tới đây, khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, rất cần có hướng dẫn thực hiện về tiền thưởng và tiền lương tháng 13. DN cũng cần có quy chế công khai từ đầu năm để mọi người được biết.