Nhật Bản học hấp dẫn thí sinh

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018 trở về trước, thuộc trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn có điểm đầu vào cao.

 Ảnh minh họa
Thậm chí, năm 2017, điểm trúng tuyển của ngành Đông Phương học cao nhất hệ dân sự bởi thí sinh đạt 28,5 điểm mới trúng tuyển, trong đó hot nhất là Nhật Bản học.
Năm 2018, Đông Phương học tiếp tục là ngành hấp dẫn nhất với điểm trúng tuyển 27,5, tương đương với tỷ lệ 1 chọi gần 35. “Hiện nay do mối quan hệ kinh tế song phương Việt Nam – Nhật Bản; mong muốn phát triển từ chuyên ngành lên ngành của nhà trường; và các tập đoàn, đối tác có nhu cầu tuyển dụng nhiều nên nhà trường đã tách chuyên ngành Nhật Bản học để xây dựng thành ngành độc lập. Được sự cho phép của ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2019 này chúng tôi bắt đầu đào tạo ngành Nhật Bản học với 60 chỉ tiêu, xét tuyển các tổ hợp khối D” – PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thông tin.

Hiện nay, một số trường ĐH ở Hà Nội đang đào tạo ngành Nhật Bản học nhưng đều trú trọng ngôn ngữ nước Nhật. Tuy nhiên, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tận dụng truyền thống 27 năm của khoa Đông Phương học đã lựa chọn xu hướng đào tạo tiếng Nhật kết hợp kiến thức nền tảng chuyên sâu về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người, kinh tế, chính trị - xã hội, ngoại giao Nhật Bản. Khi nâng lên thành ngành, bên cạnh yêu cầu cao hơn về kiến thức, nhà trường cũng đặt ra những chuẩn kỹ năng làm việc. Trong đó đặc biệt coi trọng ngôn ngữ thứ hai. “Học giỏi tiếng Anh luôn là lợi thế đối với sinh viên học ngành Nhật Bản học. Thực tế, đã có rất nhiều học sinh khối D đăng ký vào chuyên ngành Nhật Bản học của trường. Khi các em đáp ứng yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh quốc gia hay quốc tế sẽ được nhà trường tính điểm 10 và không phải học một học kỳ. Thời gian đó các em để dành học những môn khác” – PGS, TS Hoàng Anh Tuấn cho hay.

Vì đầu ra của ngành Nhật Bản học được xây dựng theo chuẩn BLOOM (thang đo về các cấp độ tư duy) nên để được tốt nghiệp sinh viên phải đảm bảo đáp ứng được các năng lực chính. Chẳng hạn như năng lực chuyên môn và ngôn ngữ Nhật phải giỏi; kiến thức phông nền về đất nước con người, kinh tế, văn hóa, ngoại giao của Nhật Bản đạt đến trình độ như một chuyên gia Nhật Bản học. Vì thế, trong khi sinh viên các ngành khác chỉ học 3 năm 3 tháng hoặc 3,5 năm tốt nghiệp thì Nhật Bản học vẫn duy trì 4 năm. PGS, TS Anh Tuấn giải thích, sinh viên Nhật Bản học có hẳn một kỳ thực tập tại tổ chức, cơ quan, DN đối tác của trường như Tập đoàn Toshiba, Canon... Điều rất đặc biệt ở chỗ, khi đi thực tập các em đều được trả lương 8 – 10 triệu đồng/tháng. Thậm chí, ngay khi tốt nghiệp, nhiều em đã được ký hợp đồng làm việc ở vị trí giám đốc nhân sự, giám đốc marketing, quản lý.

Trước băn khoăn về việc chương trình đào tạo của ngành Nhật Bản học có mang nặng tính hàn lâm, thầy Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Năm 2018, khi xây dựng thành ngành Nhật Bản học, chúng tôi kết hợp giữa khối kiến thức khoa học cơ bản với những vấn đề thực tiễn xã hội rất cao. Đặc biệt, mô hình nhà trường – DN được đẩy mạnh, trong các học kỳ thực tập luôn có sự lồng ghép để sinh viên vừa học chuyên môn và phát triển kỹ năng. Từ năm thứ hai, các em đã được đi kiến tập, năm thứ 3 đến DN sẽ không còn ngỡ ngàng. Cùng với khả năng giỏi tiếng Nhật, tiếng Anh ổn, khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Nhật Bản học dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc 4.0 năng động và không chỉ ở trong nước mà cả ở xứ sở Phù Tang.