Nhật Bản nỗ lực vực dậy nền kinh tế

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đã triển khai gói kích thích kinh tế trị giá hơn 117.000 tỷ Yên (1,085 tỷ USD) vào tháng trước, Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục cân nhắc gói hỗ trợ thứ hai lên tới 100.000 tỷ Yên (928 tỷ USD), nhằm hỗ trợ DN nội địa bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.

Đây được cho là nỗ lực mới nhất của chính quyền Tokyo nhằm hỗ trợ nền kinh tế, trước đó đã giảm 22% trong quý II, mức giảm mạnh nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Trước tình hình hiện nay, Chính phủ Nhật đã phải tiếp tục tăng chi tiêu công để hỗ trợ kinh tế phục hồi, qua đó đẩy nợ công, vốn đang ở mức gấp đôi quy mô nền kinh tế, tiếp tục lên cao. Nếu chính thức được triển khai, tổng giá trị các gói kích thích kinh tế được tiến hành tại Nhật Bản sẽ lên tới 40% GDP của nước này. “Nền kinh tế Nhật Bản đang ở thời điểm rất khó khăn, đòi hỏi các biện pháp quyết liệt để sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay” - Bộ trưởng Tài chính Taro Aso phát biểu trong cuộc họp báo vào cuối tuần trước.
 Đường phố Tokyo vắng lặng trong thời gian đại dịch Covid-19. Ảnh: Kyodonews
Dự kiến gói hỗ trợ mới sẽ được đưa ra thảo luận trong Nội các Chính phủ vào ngày mai (27/5), trong đó bao gồm 60.000 tỷ yên (556,97 tỷ USD) dưới hình thức các khoản vay tài chính với lãi suất ưu đãi hoặc bằng 0 cho các DN, thông qua các thể chế tài chính tư nhân liên kết với nhà nước.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ phân bổ 15.000 tỷ Yên (139,24 tỷ USD) từ nguồn ngân sách để hỗ trợ các tổ chức tài chính giãn hoặc cấu trúc khoản vay cho khách hàng cá nhân và DN. Đối với các DN nhỏ và vừa, hay hộ kinh doanh nhỏ lẻ có doanh thu bị ảnh hưởng do dịch, Nhà nước sẽ tiến hành trợ cấp tiền thuê nhà. Đáng chú ý, mức tỷ lệ hỗ trợ sẽ tăng tỷ lệ thuận với số lao động được DN tiếp tục trả lương, dù đang phải ngừng hoạt động kinh doanh sản xuất.
Các lao động buộc phải tạm nghỉ hay mất việc trong thời gian dịch bệnh sẽ được nhận hỗ trợ tài chính lên tới 330.000 Yên (3.000 USD)/tháng. Bên cạnh hỗ trợ cho đối tượng là người dân và DN, Chính phủ Nhật cũng gia tăng các khoản hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương để tăng cường năng lực khám, chữa bệnh. Các trường đại học cũng được nhận một phần ngân sách từ khoản hỗ trợ mới để chia sẻ áp lực học phí cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 42 trong tổng số 47 tỉnh. Chính phủ sẽ tiếp tục tham vấn ý kiến các chuyên gia về khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại các tỉnh còn lại, trong đó bao gồm thủ đô Tokyo. Bên cạnh các gói hỗ trợ kinh tế, việc đưa nền kinh tế sớm mở cửa trở lại là yếu tố then chốt giúp vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trước mắt.
“Nhu cầu tiêu dùng có thể tăng nhẹ sau khi đại dịch kết thúc. Tuy nhiên, giá cả vẫn sẽ đi xuống trong 2 tháng tới” - Yuichi Kodama – Kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda nói. Đồng thời cho rằng, triển vọng kinh tế không mấy lạc quan sẽ khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Điều này sẽ tác động ngược trở lại nền kinh tế, bởi tiêu dùng cá nhân hiện là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Nhật Bản hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần