Nhật Bản theo đuổi đàm phán "TPP không có Mỹ"

PHƯƠNG DUNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nhiều định chế tài chính quốc tế bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chính quyền Nhật Bản tiếp tục thể hiện quyết tâm theo đuổi kịch bản “TPP không có Mỹ”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso vừa kêu gọi 11 nước còn lại tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khởi động các vòng thảo luận tại một cuộc gặp được tổ chức bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5 tới.
 Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso phát biểu tại Trường đại học Columbia tại New York, Mỹ ngày 19/4. Ảnh: Reuters.
Trước đó, TPP được xem là hiệp định thương mại tự do lịch sử với sự tham gia của 12 nước, trong đó có Việt Nam, Mỹ và Nhật, ký kết hồi tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã thông báo rút Mỹ khỏi TPP. Động thái này đồng nghĩa với việc 11 nước còn lại phải đàm phán lại hoặc "khai tử" hiệp định, bởi theo thoả thuận trước đó, TPP chỉ có hiệu lực được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật).
Đề cập về tương lai của TPP, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nhấn mạnh, Tokyo không muốn tham gia vào một Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương với Mỹ sau khi Tổng thống Trump từ bỏ TPP. Theo Bộ trưởng Taro Aso, những lợi ích mà Nhật Bản có thể thu được từ các vòng đàm phán thương mại song phương với Mỹ rõ ràng sẽ ít hơn những gì mà nước này có thể đạt được thông qua thỏa thuận TPP. Chính quyền Nhật Bản hy vọng, quyết tâm theo đuổi kịch bản “TPP không có Mỹ” có thể thuyết phục Tổng thống Donald Trump xem xét lại quyết định rời bỏ TPP.
Để thúc đẩy kịch bản “TPP không có Mỹ”, trong cuộc họp ở Canada vào đầu tháng 5 tới , chính phủ Nhật sẽ kêu gọi đại diện 11 quốc gia ký cam kết giữ các thỏa thuận thương mại và thuế đã được nhất trí trước đó. Sau đó, Nhật sẽ tìm cách tái khẳng định sự thống nhất về TPP tại cuộc họp cấp Bộ trưởng ở Việt Nam vào giữa tháng 5, và tiến tới sự đồng thuận khi lãnh đạo các nền kinh tế dự Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần