Nhật - EU sắp ký thỏa thuận thương mại, Mỹ mất lợi thế?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) và Nhật đang tiến gần hơn đến việc ký kết Hiệp định đối tác EU - Nhật Bản (EPA), một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử.

Một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất
Với tư cách là 2 khu vực kinh tế lớn, GDP chiếm hơn 25% tổng GDP toàn cầu, EPA hứa hẹn sẽ là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất lịch sử. 
EPA đã được khởi động cách đây 4 năm. Trong quá trình đàm phán, hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng khiến quá trình thảo luận phải kéo dài tới 17 vòng. Trong khi châu Âu muốn Nhật giảm thuế nhập khẩu (NK) đối với một số mặt hàng như bơ (thuế NK 30%) hay cà chua đóng hộp (thuế NK 9%), Tokyo cũng đề nghị châu Âu bãi bỏ thuế 10% áp với sản phẩm ô tô của Nhật. Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch, cả EU và Nhật Bản đều cảm thấy cần phải đẩy nhanh đàm phán để tăng cường hợp tác, bảo vệ tự do thương mại.
 Hiệp định Thương mại sẽ giúp EU và Nhật Bản tiếp cận tốt hơn với các ngành công nghiệp chủ chốt.
Tiến độ bàn thảo được đẩy nhanh hơn trước rất nhiều sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và EU đang nỗ lực để nghi thức ký kết thỏa thuận sẽ được tiến hành ngay trước hội nghị cấp cao của nhóm G20 ở Đức sẽ diễn ra vào ngày 7 - 8/7. Theo thỏa thuận này, EU và Nhật sẽ dễ dàng tiếp cận được tốt hơn thị trường của nhau, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm sản phẩm chủ chốt. Ngoài ra, các rào cản thương mại cũng sẽ giảm bớt. 
Mỹ mất lợi thế?
Không chỉ Nhật Bản và EU, nhiều quốc gia khác trên thế giới đang đẩy mạnh xây dựng các liên minh thương mại, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump giương “cờ trắng”, từ chối vị trí đi đầu trong thương mại quốc tế. Bằng chứng là ngay khi chính phủ Mỹ rút khỏi các thỏa thuận thương mại, châu Âu ngay lập tức thế chỗ. Hồi tháng 2 năm nay, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn thỏa thuận thương mại với Canada. Tại khu vực châu Á, việc chính phủ Mỹ theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại được xem như một trong những nguyên nhân giúp cho Trung Quốc đẩy mạnh các hiệp định và sáng kiến thương mại do nước này đứng đầu, điển hình là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 16 nước châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Nhật. Không những vậy, trong năm nay, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh thực hiện sáng kiến "Một vành đai, một con đường" tham vọng kết nối khu vực châu Âu và Trung Quốc. Cùng lúc, Nhật cũng thể hiện quyết tâm theo đuổi TPP không có Mỹ.
Trong bối cảnh đó, EPA được xem như một chiến thắng cho xu thế thương mại tự do và sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên. Nhật Bản đang nuôi hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận giữa 11 thành viên còn lại của TPP vào tháng 11 năm nay. Việc đạt được hiệp định EPA với EU vào tháng 7 sẽ giúp nước này có thêm nhiều lợi thế trong các cuộc đàm phán. Ngoài ra, Tokyo cũng có thể sử dụng EPA để yêu cầu tự do hóa nhiều hơn cho hiệp định RCEP vẫn đang trong quá trình đàm phán. Về phía EU, Liên minh này cũng muốn có một thỏa thuận nhanh chóng với Nhật Bản để các nhà đàm phán “vững tâm” hơn trong bối cảnh đối diện với các cuộc đàm phán với Anh về tiến trình Brexit.

Tình thế này dường như sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên, trừ Mỹ. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, Washington có thể tụt lại phía sau khi các nước ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau, trừ phi Tổng thống Trump tiếp tục ủng hộ các giá trị và lợi ích của thương mại tự do. Thống kê của Quỹ Heritage (Mỹ) cho thấy, các quốc gia có chỉ số thương mại tự do cao hơn sẽ có thu nhập bình quân đầu người cao hơn, tỷ lệ đói nghèo thấp hơn và môi trường sạch hơn.