Nhật - Hàn - Mỹ tập trận theo dõi tên lửa Triều Tiên

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhật Bản cùng với Mỹ và Hàn Quốc ngày 11/12 bắt đầu cuộc tập trận theo dõi tên lửa kéo dài 2 ngày, giữa lúc căng thẳng gia tăng tại khu vực sau vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên.

Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản cho biết, nước này cùng với Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tiến hành cuộc tập trận theo dõi tên lửa vào ngày 11/12, giữa lúc căng thẳng gia tăng tại khu vực sau vụ thử tên lửa mới đây nhất của Triều Tiên.
Nhật, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tiến hành cuộc tập trận theo dõi tên lửa vào ngày 11/12. Ảnh: Reuters
Cuộc tập trận chung mới nhất này là cuộc diễn tập thứ 6 về chia sẻ thông tin trong việc theo dõi tên lửa đạn đạo giữa ba nước.
Tuần trước, Mỹ và Hàn Quốc đã có cuộc tập trận chung quy mô lớn với sự tham gia của hàng trăm máy bay chiến đấu, mà Triều Tiên cho là hành động khiêu khích chiến tranh.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có tham gia tập trận hay không.
Việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa này tại Hàn Quốc đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc, cho rằng đây là một sự đe dọa đối với an ninh của chính những nước này.
Thời gian qua, Triều Tiên đã nhiều lần bắn tên lửa bay ngang qua hoặc rơi sát lãnh thổ Nhật. Đáng chú ý, ngày 29/11 vừa qua, Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thế hệ mới Hwasong-15 rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật. Tên lửa này có tầm bắn tiêu chuẩn 13.000km, có khả năng bắn đến cả đất Mỹ.
Sau vụ thử tên lửa mới này, Mỹ cảnh cáo sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu chiến tranh xảy ra. Theo phía Mỹ, đây có thể coi là một phần của nỗ lực quốc tế nhằm đóng băng nguồn tiền bất hợp pháp có thể được dùng để tài trợ cho chương trình hạt nhân và vũ khí của Triều Tiên.
Triều Tiên đã nhiều lần bắn tên lửa bay ngang qua hoặc rơi sát lãnh thổ Nhật. Đáng chú ý, ngày 29/11 vừa qua.
Ngày 10/12, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương mới đối với 20 tổ chức và khoảng 10 cá nhân ở Triều Tiên, đồng thời cấm tất cả các giao dịch tài chính với những người liên quan lệnh trừng phạt này.
Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, những biện pháp mới này sẽ giúp ngăn chặn nguồn tiền bất hợp pháp chảy vào Triều Tiên, đồng thời góp phần gây sức ép quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, phần lớn những biện pháp này đều mang tính biểu tượng bởi trên thực tế trao đổi thương mại và tài chính giữa hai miền Triều Tiên đã bị cấm từ tháng 5/2010 sau khi tàu chiến Hàn Quốc bị đánh chìm.
Các biện pháp trừng phạt mới sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 11/12.