Nhiệt độ miền Bắc tiếp tục giảm, TP Hồ Chí Minh khốn đốn vì triều cường

Văn Sinh (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (11/10), nhiệt độ đo tại Sa Pa xuống dưới 11 độ C. Trong khi đó, triều cường đang gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ...

Sáng 11/10, thời tiết tại Thủ đô Hà Nội se lạnh. Ảnh: Zing.vn.
Sapa xuống dưới 11 độ C
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, đêm qua (10/10) không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ, cho nên các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, như Đông Hà (Quảng Trị) 119mm, Khe Sanh (Quảng Trị), Huế 62mm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 31mm…
Trong hôm nay (11/10), không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Gió đông bắc trong đất liền cấp 2 - 3, vùng ven biển cấp 3 - 4. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa sáng và đêm trời lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19 - 21 độ C, ở vùng núi phía Bắc sáng và đêm trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16 - 19 độ C. Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Vào hồi 7h sáng nay, theo số liệu quan trắc, nhiệt độ thấp nhất ở các nơi như sau: TP Thái Bình (Thái Bình) 19,9 độ C; Văn Lý (Nam Định) 20,4 độ C; Hoàng Su Phì (Hà Giang) 17,6 độ C; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chuyển rét đậm 14,8 độ C; Sìn Hồ (Lai Châu) và Đồng Văn (Hà Giang) đều rét hại 12,7 độ C; đèo Pha Đin (Sơn La) 12,6 độ C.
Còn tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) giảm xuống 11,4; Sa Pa vẫn rét nhất 10,9 độ C. Đây là mức giảm nhiệt thấp nhất ghi nhận được ở các tỉnh, thành miền Bắc tính từ đầu mùa Thu đến nay.
Theo dự báo, từ ngày mai không khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ có cường độ ổn định, sau suy yếu chậm. Nhiệt độ các khu vực bắt đầu tăng nhẹ trở lại.
Tại Hà Nội, sáng nay trời se lạnh, mưa rải rác một số nơi. Người đi đường bắt đầu khoác lên mình bộ áo khoác mỏng. Mức nhiệt tại 5 trạm khí tượng của Thủ đô thấp nhất 20 - 22 độ C.
 Khu vực quận 7 ngập nước vì triều cường. Ảnh: VOV.

Triều cường đạt đỉnh tại Nam Bộ
Tại khu vực Nam Bộ, sáng nay mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống; hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang xuống và dao động ở mức cao.
Mực nước cao nhất ngày 10/10, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,51m (ở mức BĐ1), tại Mỹ Tho: 1,82m (trên BĐ3 0,22m, trên mức lũ lịch sử năm 2011 là 0,04m); tại Mỹ Thuận: 2,07m (trên BĐ3 0,27m, trên lũ lịch sử năm 2011 là 0,04m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,37m (dưới BĐ2 0,13m), tại Long Xuyên: 2,70m (trên BĐ3 0,20m), tại Cần Thơ: 2,23m (trên BĐ3 0,33m, trên mức lũ lịch sử năm 2011 là 0,08m), trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An 1,66m (trên BĐ3 0,16m).
Theo dự báo, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn xuống dần và lên lại theo triều vào ngày 18/10. Đến ngày 21/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,1m; tại Châu Đốc ở mức 3,0m (ở mức BĐ1), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn ở mức BĐ1.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Trong 1 - 2 ngày tới, tiếp tục đề phòng triều cường gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Ghi nhận thực tế, những ngày qua triều cường liên tục gây ngập một số khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cụ thể, ngày 10/10 triều cường đạt đỉnh, nước dâng cao trên 1,6 m, vượt báo động III. Nhiều tuyến đường ở các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh ngập sâu vào rạng sáng và chiều tối, như: Đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), nhiều điểm ngập sâu vào các giờ triều cường lên. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực cầu Bình Điền, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè), Hồ Học Lãm, Sinco (quận Bình Tân), Bình Quới (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2)...
Triều cường đạt đỉnh cũng khiến các tuyến phố tại nhiều tỉnh miền Tây như: An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, Cần Thơ... trở thành biển nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần