Nhiều bài toán thực tiễn của Việt Nam sẽ được giải quyết

Bài, ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bên cạnh những vấn đề học thuật, chúng tôi quan tâm nghiên cứu Việt Nam rộng hơn và lớn hơn cũng như tìm những giải pháp cho các vấn đề đương đại của đất nước phát triển bền vững”.

GS.TSKH Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin với báo chí như trên bên lề buổi họp báo Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần V, trưa nay 8/12.
Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần V mang chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu” diễn ra trong 2 ngày (15 và 16/12/2016) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.
 GS.TSKH Nguyễn Hữu Đức thông tin về hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5
Bên cạnh những nội dung học thuật, hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết những vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Qua đó, hướng tới việc quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau để đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam toàn cầu.
Trưởng ban tổ chức hội thảo Nguyễn Hữu Đức cho biết: “Trong khi các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nội dung Việt Nam học “truyền thống” thì lần này đề cập đến nghiên cứu Việt Nam rộng hơn, quan tâm cả đến vấn đề giáo dục – đào tạo, chuyển giao công nghệ và biến đổi khí hậu. Trên tất cả những vấn đề ấy, chúng tôi quan tâm đến phát triển nguồn lực văn hóa. Bởi văn hóa đạo đức vừa là nền tảng vừa là động lực để giúp cho Việt Nam phát triển bền vững”.
GS.TSKH Vũ Minh Giang – thành viên Ban tổ chức bổ sung thêm, chủ đề lần thứ 5 mở rộng, cho nên các nhà nghiên cứu về Việt Nam có những sản phẩm gì đều sẽ mang đến hội thảo. “Đặc sắc của chủ đề hội thảo lần thứ 5 là nhấn mạnh thực tiễn của Việt Nam. Không loại đi những nghiên cứu hàn lâm nhưng tập trung ưu tiên cho những báo cáo giải quyết những bài toán của thực tiễn” – GS Giang nhấn mạnh.
GS Vũ Minh Giang cũng đề cập đến 5 lợi ích được đặt ra khi tổ chức 4 hội thảo trước và lần này dần dần càng tăng lên. Chẳng hạn như tiếp thu, tiếp nhận những ý kiến, kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học. Tạo cơ hội cho các học giải trong nước, các nước giao lưu, tiếp xúc và trao đổi với nhau. Đặc biệt, đối với những học giả Việt Nam không có điều kiện ra nước ngoài được gặp trực tiếp các nhà khoa học quốc tế cũng như thiết lập mối quan hệ , xây dựng chương trình hợp tác. Tiếp đến, thông qua các nhà Việt Nam học ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh của đất nước ra thế giới. Từ những ý kiến trung thực của các những nhà Việt học, chính phủ các nước có cái nhìn đúng, chỉnh sửa, thay đổi các chính sách có lợi cho Việt Nam.
Khi Việt Nam học trở thành ngành khoa học liên ngành thì chương trình, giáo trình giảng dạy phải chuẩn mực. Muốn làm được điều này, chúng ta phải tìm hiểu người ta đang làm gì, trình độ như thế nào để từ đó nghiên cứu, đưa ra bộ công cụ chuẩn quốc tế để đánh giá tiếng Việt.
Đặc biệt, khi chúng ta hội nhập quốc tế, việc hiểu đúng bản thân mình thông qua cách đánh giá của nước ngoài là vô cùng quan trọng. Vì thế, theo GS Vũ Minh Giang, hình ảnh người nước ngoài mang đến những tấm gương để soi. Có những tấm phẳng thì mình soi đúng. Còn, những gương lồi, lõm, tức hình dạng không chuẩn nhưng đó là sự đa dạng. Đây là cơ hội để chúng ta xem lại mình thông qua những đánh giá khác và giúp cho người ta hiểu mình hơn.

Hội thảo Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần V, do Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu mối tổ chức trên cơ sở phối hợp với Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin & Truyền thông.

6 lĩnh vực chuyên môn sẽ được các chuyên gia tập trung thảo luận tại các phiên tiểu ban của hội thảo: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; nguồn lực văn hóa; giáo dục và phát triển nguồn lực; chuyển giao tri thức và công nghệ; kinh tế và sinh kế; biến đổi khí hậu.

Đến ngày 8/12, Ban tổ chức hội thảo nhận được hơn 70 báo cáo của các học giả trong và ngoài nước gửi đến. Khoảng 150 khách quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia là các học giả, nhà hoạch định chính sách, đại diện các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam được mời tham dự hội thảo.