Nhiều chính sách BHXH mới bảo đảm an sinh xã hội cho người dân
Kinhtedothi – Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 có những bước tiến đáng kể so với Luật BHXH năm 2014, mở rộng các chính sách là đòn bẩy để kích thích người lao động tham gia vào hệ thống BHXH, đảm bảo an sinh xã hội khi đến tuổi nghỉ hưu.
Gia tăng lợi ích cho người tham gia BHXH
Từ ngày 1/7/2025, Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực với 14 điểm mới đã khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật BHXH năm 2014 và cũng đã sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định mới nhằm bao phủ khoảng trống của BHXH. Luật BHXH năm 2024 đã mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động đang tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và hưởng lương hưu.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động đang tham gia. Ảnh minh họa: Trần Oanh
Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ BHXH đa tầng. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì sẽ được trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Quy định này thể chế hóa một bước chủ trương “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” nhằm phấn đấu đạt mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Đối với người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của họ. Đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Luật BHXH năm 2024 bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Luật cũng bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện: người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con. Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách Nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành. Việc bổ sung chế độ thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tham gia.
Đòn bẩy kích thích người dân tham gia BHXH
Luật BHXH năm 2024 giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu. Theo TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và Lao động – Bộ Nội vụ, việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu là đòn bẩy kích thích người dân tham gia BHXH; vì bản chất của BHXH là phòng tránh rủi ro xã hội về thu nhập, tuổi già, ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp... đặc biệt là nhóm lao động nghèo.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, khi chính sách việc làm tốt thì người lao động sẽ có thu nhập cao, tham gia bảo hiểm xã hội được lâu dài. Ảnh: Trần Oanh
Nhưng nguyên tắc của BHXH là đóng – hưởng, khi đóng BHXH ít năm với mức tiền thấp thì lương hưu sẽ thấp. Vì thế, điều quan trọng nhất là chính sách gắn với BHXH. Chính sách việc làm tốt thì người lao động sẽ có thu nhập cao, tham gia BHXH được lâu dài, khi đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ hưởng lương hưu cao, đó mới là điều quan trọng.
Về BHXH một lần, Luật BHXH năm 2024 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính – Bộ Tài chính cho rằng: “Những người đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thi hành (1/7/2025) thì vẫn thực hiện theo quy định cũ, giúp họ bình tĩnh suy nghĩ về những bất lợi khi nhận BHXH một lần mà cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt để chăm lo cuộc sống sau này, khi về già. Quy định chỉ dừng BHXH một lần với những người bắt đầu tham gia BHXH từ 1/7/2025, như vậy, chính sách vẫn giữ được tâm lý ổn định cho người đang tham gia BHXH, góp phần ổn định xã hội và giáo dục pháp luật cho những người bắt đầu tham gia BHXH”.
Theo chuyên gia BHXH, để người dân hiểu được những chính sách nhân văn của BHXH, thực hiện hiệu quả Luật BHXH năm 2024 thì cần làm tốt công tác truyền thông đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, giúp cho người dân trên mọi miền của đất nước được tiếp cận thông tin, hiểu rõ và tuân thủ thực hiện. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cấp tỉnh, TP và trực tiếp là xã, phường, vận động, tuyên truyền đến từng người dân, từng hộ gia đình hiểu rõ và tích cực tham gia BHXH vì an sinh xã hội lâu dài, bền vững.

Chế độ phụ cấp khu vực đối với người hưởng bảo hiểm xã hội
Kinhtedothi – Có hai đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần thì còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội.

Chính thức đóng Bảo hiểm xã hội 15 năm có lương hưu
Kinhtedothi - Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ hôm nay 1/7, trong đó quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu đã giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ số năm trên vẫn có cơ hội tiếp cận lương hưu.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7
Kinhtedothi - Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được áp dụng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) trên toàn quốc.