Nhiều địa phương còn lúng túng trong xử lý sạt lở cấp bách

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/4, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo “Giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Hội thảo có sự tham gia của một số cơ quan liên quan thuộc Bộ NN&PTNT; các cơ quan nghiên cứu khoa học, đơn vị tư vấn thiết kế; đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN&PTNT, chi cục thủy lợi và Ban Quản lý dự án các công trình NN&PTNT 13 tỉnh/TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chuyên gia nghiên cứu, quản lý bờ sông, bờ biển…
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chủ trì hội thảo.
Trước diễn biến phức tạp của sạt lở có xu thế ngày càng gia tăng, những năm qua T.Ư, các tổ chức quốc tế và các địa phương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển.
Đặc biệt, năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch hàng năm để các địa phương xây dựng công trình phòng chống sạt lở, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2018 để xử lý 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh/ TP.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ xử lý sạt lở 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và 36 triệu USD từ dự án Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ NN&PTNT đã triển khai một số nội dung về xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển như sau: Tổ chức các Hội nghị hướng dẫn về giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL tại TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ; có các văn bản hướng dẫn UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện các giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn xử lý đối với 11 dự án cụ thể; chỉ đạo việc cắm biển cảnh báo những khu vực sạt lở, xây dựng bản đồ sạt lở vùng ĐBSCL, đưa lên bản đồ trực tuyến (WEBGIS)…
Tuy nhiên, đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, qua thực tiễn triển khai, các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách, nên kết quả đạt được đến nay chưa cao. Một số giải pháp kỹ thuật nếu không được điều chỉnh kịp thời có thể gây mất ổn định công trình, lãng phí trong đầu tư.
Tại hội thảo, các báo cáo tham luận đã tập trung đánh giá những tồn tại của các giải pháp đã thực hiện thời gian qua, những hạn chế trong thiết kế, thi công các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tại Quyết định số 795/QĐ-TTg. Đồng thời phân tích, đánh giá những kết quả đạt được của việc áp dụng các công nghệ mới trong xử lý xói lở bờ biển phù hợp với điều kiện từng khu vực và huy động nguồn lực trong xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thông qua hội thảo, các cơ quan quản lý dự án và các đơn vị tư vấn thiết kế đã có một cái nhìn trực quan và rõ ràng hơn về triển khai ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển, nhất là việc ứng dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực.