Nhiều địa phương xuất hiện băng giá, rốt ráo phòng chống rét đậm, rét hại

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, rét đậm, rét hại xảy ra trên diện rộng tại miền Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, đêm qua và sáng sớm nay, miền Bắc rét sâu hơn, nhiệt độ tiếp tục hạ sâu, trời rất lạnh, buốt và khả năng hiện tượng tuyết rơi sớm xuất hiện. Dự báo tình trạng rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền Bắc còn tiếp diễn trong những ngày tới.

Tại Cao Bằng, nhiệt độ thấp nhất khoảng 4 – 6 độ C, một số nơi như Phja Oắc (Nguyên Bình), Bảo Lạc... nhiệt độ xuống âm 6 độ C – 9 độ C, đã xuất hiện băng giá. Theo báo Cao Bằng điện tử, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh trong những ngày rét đậm, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã thay đổi thời gian học.
 Băng tuyết phủ trắng rừng cây tại Phja Oắc. Ảnh: Báo Cao Bằng.
Một số trường THCS đã chuyển lịch học sang buổi chiều; các trường mầm non thông báo do rét đậm rét hại, các phụ huynh nên cho trẻ nghỉ học ở nhà, nếu phụ huynh có nhu cầu nhà trường vẫn nhận trẻ, cho trẻ ăn ngủ, đảm bảo sức khỏe. Theo bản tin dự báo thời tiết tối 9/1 ngày 10/1, tại Cao Bằng, khu vực Nguyên Bình và các huyện phía Đông: Nhiều mây, có mưa nhỏ ở vài nơi. Trời rét hại. Đề phòng có mưa tuyết và băng giá. Nhiệt độ thấp nhất 2 – 4 độ C, nhiệt độ cao nhất 8 – 10 độ C.
 Ảnh: Báo Hà Giang
Ngoài ra, theo báo Hà Giang, tại các địa bàn một số xã như Ma Lé, Phố Cáo, thị trấn Phó Bảng của các huyện Đồng Văn, xã Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ của Mèo Vạc… đã xuất hiện băng giá và tuyết. Theo thông tin từ UBND xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn cho biết, trên địa bàn nhiệt độ xuống thấp âm độ C tại một số thôn từ đêm 7/1 và đến trưa 8/1, mặc dù trời không mưa nhưng thời tiết vẫn còn giá buốt.
 Băng giá xuất hiện tại Thượng Phùng, Mèo Vạc. (Ảnh: Báo Hà Giang)
Trước tình hình trên, một số địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trường học cho học sinh nghỉ học để tránh rét, đồng thời xây dựng kế hoạch học bù vào thời gian tới. Cùng với đó, chỉ đạo ngành nông nghiệp bám sát địa bàn, phối hợp chính quyền các xã vận động nhân dân tích cực chăm sóc và không thả rông gia súc. Dự báo những ngày tới, rét sẽ còn tiếp diễn. Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo, để phòng chống rét cho đàn gia súc, nhân dân chủ động quây bạt chắn gió chuồng trại, đốt lửa giữ nhiệt cho gia súc. Bên cạnh đó, cho gia súc ăn đủ thức ăn tinh và thô, giữ khô nền chuồng, không thả rông để đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc.
 Đông đảo du khách đến đỉnh Phja Oắc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của băng tuyết. Ảnh: Báo Cao Bằng.
Trong khi đó, theo báo Lào Cai điện tử, sáng nay (9/1), tại khu vực đỉnh đèo Ô Quý Hồ, nằm trên đường nối 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, băng tuyết đã phủ trắng cành cây, ngọn cỏ. Hiện tượng đã khiến nhiều du khách đã đổ về đây để được ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú này.

Theo thông tin từ người dân địa phương, khoảng từ 0 giờ sáng nay (9/1), băng tuyết đã bắt đầu xuất hiện tại khu vực đỉnh đèo Ô Quý Hồ. Tới sáng 9/1, băng tuyết đã phủ trắng khu vực đèo. Nhiệt độ đo được lúc 8 giờ sáng tại đây là -1 độ C.
 Băng giá phủ trắng cành cây... Ảnh: Báo Lào Cai.
Ngay lập tức, nhiều người dân và du khách đã tới đèo Ô Quý Hồ để tranh thủ lưu lại những khoảng khắc tuyệt đẹp cùng hiện tượng thời tiết hiếm có này. Đây là lần thứ 3 trong khoảng 10 năm trở lại đây, đèo Ô Quý Hồ xuất hiện băng tuyết. Cũng tại Lào Cai, băng giá cũng xuất hiện ở xã Y Tý, huyện Bát Xát và thị trấn Sa Pa.
 Người dân và du khách tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc hiếm có cùng băng tuyết. Ảnh: Báo Lào Cai.
Theo các cán bộ biên phòng tại đây, hầu hết ngọn cây dọc tuyến biên giới tuần tra đều phủ băng. Trong khi đó, nhiệt độ tại đỉnh Fansipan đo được lúc 8 giờ sáng nay là -7 độ C, trời rất lạnh nhưng chưa xuất hiện băng giá hay tuyết rơi ở khu vực này. Du khách đổ về Sa Pa chờ nhiều tiếng để đi cáp treo lên đỉnh Fansipan mong được thấy tuyết rơi, băng giá khi nhiệt độ các tỉnh vùng núi miền Bắc xuống thấp.
 Cây cối và cổng sắt của một khách sạn tại khu vực đèo Ô Quý Hồ bị đong băng. Ảnh: Báo Lào Cai.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, từ ngày 8/1, một số trường trên địa bàn đã cho học sinh nghỉ học, tự ôn tập ở nhà bao gồm: Trường Mầm non Sử Pán, Trường Mầm non Tả Phìn (tổng số 661 học sinh); Trường Mầm non Thanh Phú với 139 học sinh; 20 trường tiểu học với tổng 8.964 học sinh. Ngoài ra, 14 trường THCS cho phép học sinh nghỉ học để giáo viên họp sơ kết theo kế hoạch đã chỉ đạo từ trước trùng với ngày nhiệt độ Sa Pa giảm sâu.
 Các đỉnh núi cao thuộc dãy Cao Ly (huyện Bình Liêu), từ khoảng 9 giờ sáng 8/1, đã bắt đầu xuất hiện băng đá phủ kín các cành cây, ngọn cỏ. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Thông tin trên báo Quảng Ninh điện tử, tại Quảng Ninh, băng giá đã xuất hiện ở đỉnh chùa Đồng, Yên Tử (TP Uông Bí); khu vực cột mốc 1297 giáp ranh huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) và huyện Đình Lập (Lạng Sơn). Tại đỉnh núi Cao Ly (huyện Bình Liêu), cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, băng phủ đầy trên cỏ cây, vách núi. Ngày 8/1, UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động biện pháp phòng, chống rét hại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong các ngày 8-9/1/2021, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh tăng cường, nhiệt độ các nơi trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 8-10°C. Tại các vùng núi cao (đỉnh Chùa Đồng – Yên Tử) đã xuất hiện băng tuyết. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh, do không khí lạnh mạnh tăng cường, đợt rét hại này tiếp tục kéo dài đến ngày 13/1/2020.

 Băng giá phủ kín các cành cây. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Để chủ động ứng phó với đợt thiên tai này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 27/UBND-NLN3 ngày 6/1/2021 về việc tiếp tục triển khai chống rét trên cây trồng và triển khai sản xuất vụ Xuân năm 2021.

Cùng với đó, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống rét (đặc biệt chú ý người già, trẻ nhỏ, học sinh). Tùy theo tình hình thực tế tại từng địa phương để có biện pháp che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất. Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.

Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, nhất là tại các trường nội trú như: Hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, đốt lửa sưởi ấm trong rừng; khuyến cáo và có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng, ngắm băng tuyết tại các vùng núi cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần