Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều điểm mới trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/1, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

Nhiều điểm mới trong Luật đã được phổ biến đến đại diện lãnh đạo, công chức các Sở, ban, ngành TP Hà Nội đang làm công tác bồi thường của Nhà nước.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN có hiệu lực từ 1/7/2018) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là bước hoàn thiện về mặt thể chế điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tiếp tục cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước trước công dân.
 Quang cảnh Hội nghị.
Luật TNBTCNN năm 2017 có 9 chương và 78 điều. Theo đó, có rất nhiều điểm mới và tiến bộ trên nhiều mặt. Về đối tượng yêu cầu bồi thường đã rất cụ thể và mở rộng gồm: Người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại, tổ chức bị thiệt hại, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện đương nhiên; người được ủy quyền.
Thời hiệu yêu cầu bồi thường cũng được nới rộng từ 2 lên 3 năm. Trong đó quyền yêu cầu khôi phục danh dự thì không có thời hạn, mà bất cứ lúc nào họ yêu cầu đều phải tiến hành. Điểm mới thứ 3, là về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước quy định rất rõ: Phải bảo đảm kịp thời, công khai, đúng pháp luật; Bảo đảm sự thương lượng cho quá trình giải quyết bồi thường, bởi bồi thường Nhà nước là loại bồi thường đặc biệt ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự. Luật TNBTCNN năm 2017 mở rộng cơ chế người bị thiệt hại khi có văn bản giải quyết thì có quyền khởi kiện trực tiếp ra tòa, luật 2009 không có cơ chế này.

Trong Luật mới đã quy định rõ thời gian cụ thể, từ xác minh, thụ lý. Từ 95 ngày - 125 ngày trước đây xuống còn từ 41 - 71 ngày. Luật quy định rõ, thương lượng thành công sẽ trao quyết định ngay. Nếu không thành cũng phải gửi biên bản thương lượng để người bị thiệt hại lấy biên bản này có thể khởi kiện ra tòa giải quyết. Luật bổ xung điều mới về quy định tạm ứng kinh phí bồi thường (Điều 44), trong đó quy định rõ các thiệt hại mà người yêu cầu bồi thường có quyền đề nghị tạm ứng, trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan tài chính có thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc tạm ứng và mức tạm ứng (tối thiểu 50% giá trị các thiệt hại)…

Nội dung sửa đổi lớn nhất trong Luật TNBTCNN năm 2017 là quy định thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong cả 3 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Cơ quan thống nhất quản lý nhà nước là Chính phủ và Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ. Việc sửa đổi quy định này nhằm khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cũng như giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong thời gian tới.