Nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo trong năm 2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và duy trì đà tăng trưởng, việc đầu tư và mua sắm nhà ở vẫn được duy trì, nhưng sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu và nhiều DN bất động sản (BĐS) sẽ không thể trụ lại được.

Mất cân đối cung - cầu
Số liệu thống kê từ trang tin batdongsan.com.vn, năm 2019, trên địa bàn cả nước chỉ có khoảng 5 triệu m2 sàn xây dựng được hoàn thiện, giảm gần 200% so với năm 2018, dẫn đến sự khan hiếm về nguồn cung mới sản phẩm, giá bán liên tục được tăng lên. Thị trường đã chứng kiến sự lệch pha nghiêm trọng về cung - cầu, đặc biệt là tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nhiều DN BĐS và cá nhân môi giới sẽ không thể trụ lại với nghề trong năm 2020.
Năm 2019, lượng tin đăng chào bán BĐS tại 2 thị trường này phần lớn đến từ phân khúc trung - cao cấp, chiếm gần 60% tổng cung chào bán của thị trường. Phân khúc chung cư bình dân ghi nhận sự quan tâm lớn nhất thị trường với 69% nhu cầu tìm kiếm.
Tuy nhiên, lượng tin đăng rao bán dòng sản phẩm này lại thấp nhất trong các phân khúc, chỉ chiếm tầm 20% tổng cung. Điều này cho thấy thị trường đang mất cân đối giữa nhu cầu mua và nguồn hàng thực tế.
Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội vẫn là dòng sản phẩm bị thiếu hụt nhiều nhất trên thị trường. Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2019, cả nước đã hoàn thành 9 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 4.100 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 205.500m2.
Như vậy, tính đến hết năm 2019, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng hơn 85.800 căn, với tổng diện tích xấp xỉ 4,3 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.600 căn, tổng diện tích trên 8,9 triệu m2.
Tuy nhiên, kết quả này chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mới đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phấn đấu đến năm 2020 là xây dựng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp nguy cơ phá sản
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định, trong năm 2020, nguồn cung sản phẩm tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có thể không suy giảm so với năm 2019, vì có một số dự án lớn tại các đô thị này vẫn còn lượng hàng khá lớn chưa được tung ra thị trường. Nhưng lượng dự án đủ điều kiện để đưa ra thị trường sẽ giảm bởi ở 2 địa phương này vẫn chưa cho thấy động thái cải thiện xem xét, phê duyệt cấp phép cho các dự án mới.
Giá nhà ở và đất đai có thể sẽ vấn tiếp tục tăng, nhưng lực tăng không mạnh vì sự khan hiếm chỉ là tạm thời. Các DN BĐS nhỏ sẽ bị giảm lực đầu tư vì nguồn vốn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng.
“Tình trạng mất cân đối cung - cầu sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2020, nguồn nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội tiếp tục khan hiếm. Trong khi đó các hoạt động chuyển nhượng, mua bán dự án (M&A) sẽ diễn ra sôi động hơn, nhưng điều đáng quan tâm nhất là thị trường sẽ diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các DN, cá nhân hoạt động môi giới BĐS, có nhiều DN và cá nhân môi giới BĐS sẽ không thể trụ lại với nghề, bị phá sản” - ông Đính nhận định.
Những trục trặc gần đây của sản phẩm condotel và những lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu, chính vì thế nên tôi nhận định có thể là đầu năm 2020 thị trường có thể sẽ trầm lắng, nguồn cung giảm từ 15 - 20%, nguồn cầu cũng giảm nhưng ít hơn từ 5 - 7%. Nhưng xét về tổng thể thì cầu vẫn cao hơn cung và giá thì vẫn có thể tiếp tục tăng trong những năm tới và tôi cũng kỳ vọng đến cuối quý II/2020 thì thị trường BĐS sẽ được trở lại bình thường.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa