Hà Nội: Nhiều dự án giao thông trọng điểm về đích

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020), hàng loạt công trình giao thông lớn, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của Hà Nội đã kịp về đích. Đây là niềm vui, đồng thời cũng là động lực để Thủ đô tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, trở thành một đại đô thị văn minh, hiện đại, giàu đẹp.

Kết nối các khu du lịch, văn hóa phía Tây
Dự án cải tạo, nâng cấp đường Tản Lĩnh - Yên Bài, đoạn từ Km2+400 đến Km10+500, nối từ Đại lộ Thăng Long đến Tỉnh lộ 414, nằm trên địa bàn huyện Ba Vì và Thị xã Sơn Tây. Dự án có tổng chiều dài trên 8km; mặt cắt ngang nền đường 12m; đáp ứng tốc độ lưu thông 60km/giờ cho các phương tiện.
Cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm đang được khẩn trương xây dựng. Ảnh: Tuấn Anh
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nhận định, đây là một trong những dự án trọng điểm về giao thông của Hà Nội. Việc cải tạo, nâng cấp đường Tản Lĩnh - Yên Bài có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng cường năng lực giao thông cho khu vực phía Tây Thủ đô, tạo điều kiện kết nối trung tâm TP Hà Nội với các khu văn hóa, du lịch thuộc huyện Ba Vì như: Rừng quốc gia Ba Vì; Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Khu di tích khu di tích K9 và các danh lam thắng cảnh trong khu vực. Dù khối lượng xây lắp và giải phóng mặt bằng rất lớn, nhưng với nỗ lực của Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP và các địa phương: Ba Vì, Sơn Tây, dự án đã kịp về đích trong dịp Lễ kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10 này.

Mở nút thắt đường Trường Chinh

Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã được cơ quan chức năng của Hà Nội nghiên cứu từ năm 2012. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến tháng 4/2018, dự án mới chính thức được khởi công.

Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, dự án bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng; tổng chiều dài 5,4km. Sau 6 năm chờ đợi, bước ngoặt đã đến khi dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, loại hợp đồng BT; có tổng vốn đầu tư vào khoảng 9.400 tỷ đồng. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; UBND TP Hà Nội giao Tập đoàn Vingroup thực hiện. Đến nay, đoạn tuyến trên cao Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác, góp phần quan trọng giải toả áp lực giao thông trên đường Trường Chinh và đồng bộ năng lực lưu thông Vành đai 2.
Tuyến đường Vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở. Ảnh: Hoàng Hà
Giám đốc dự án (của Liên danh nhà thầu Trung Nam E&C - Trung Chỉnh) Trần Văn Giầu cho biết: “Quá trình thực hiện, nhà đầu tư đã thuê hẳn một đơn vị đánh giá độc lập, song hành với tư vấn giám sát để thẩm định. Có thể nói chất lượng thi công đã vượt qua những bước kiểm duyệt vô cùng ngặt nghèo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn”. Ông Giầu cũng cho hay, quá trình thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng và giao thông, do địa hình chật hẹp, lại nằm trên trục đường có lưu lượng giao thông rất lớn. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thi công, các công tác liên quan đến an toàn đã được bảo đảm tuyệt đối.

Khai thông bế tắc cửa ngõ phía Nam

Vành đai 3 từ lâu đã là một trong những tuyến giao thông trọng yếu nhất của Hà Nội với cả hai hướng lưu thông trên cao, dưới thấp. Tuy nhiên, tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô, do Vành đai 3 chưa được hoàn thiện, đoạn tại khu vực hồ Linh Đàm đã hình thành một điểm nghẽn trong nhiều năm.

Tháng 11/2019, Dự án Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường trên cao đã được khởi công. Đây là dự án trọng điểm, nhằm giảm tải cho nút giao Thanh Xuân và nút Pháp Vân, giải quyết tình trạng UTGT tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - đường Giải Phóng và khu vực Linh Đàm. Đồng thời khép kín đồng bộ tuyến đường Vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại và hạn chế UTGT trên địa bàn TP Hà Nội.

Đến nay hai cầu đi thấp qua hồ Linh Đàm đã cơ bản được hợp long; nhánh kết nối với đường trên cao đã thành hình. Các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện hạng mục đường dẫn; nút giao với đường Nguyễn Xiển; hạng mục bổ sung đường dành cho xe máy... UBND quận Hoàng Mai cũng đã kiến nghị TP cho xén dải phân cách, mở rộng đường Hoàng Liệt để đồng bộ năng lực lưu thông tuyến Vành đai 3 dưới thấp, đoạn từ Giải Phóng - Cầu Dậu.

Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng Ban và các đơn vị liên quan đã quyết tâm nỗ lực, đưa dự án vào sử dụng đúng dịp Lễ kỷ niệm 10/10.

Hoàn chỉnh kết cấu Vành đai 3

Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư ngày 3/9/2013. Phạm vi xây dựng dự án từ nút giao Mai Dịch đến cầu Thăng Long dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng thuộc quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm (Hà Nội) với tổng chiều dài hơn 5,3km.

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Công trình có tổng chiều dài 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn 4,831km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,6m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4m. Dự án được xây dựng với quy mô bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100km/giờ.

Đến nay, hai gói thầu xây lắp của dự án đang được nhà thầu gấp rút hoàn thiện, phấn đấu hoàn thành vào tháng 9/2020 và tổ chức thông xe đúng vào dịp Lễ kỷ niệm 10/10. Trước đó, Dự án Vành đai 3 dưới thấp Mai Dịch - Nam Thăng Long đã được Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 10/2019.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần