Nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hữu cơ

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ chăn nuôi hữu cơ ngày càng cao, tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng chăn nuôi hữu cơ còn ít, qui mô nhỏ, phân tán, chưa đáp ứng được nhu cầu nên việc đẩy mạnh các giải pháp phát triển rất cần thiết”.

Chủ tịch Hội chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải phân tích tại Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển chăn nuôi hữu cơ tại Hà Nội” diễn ra ngày 15/11, do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cùng Hội Chăn nuôi Hà Nội phối hợp tổ chức.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới ở dạng sơ khai
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải, những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu lớn của Hà Nội về thực phẩm từ chăn nuôi, ngoại thành Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Tính tới tháng 6/2018, Hà Nội có trên 1,8 triệu con lợn (là tỉnh có số lợn cao nhất cả nước); 17 vạn trâu bò; 30 triệu gia cầm. Về chất lượng chăn nuôi, Hà Nội đã xây dựng 15 vùng chăn nuôi, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, với gần 4 nghìn trang trại quy mô lớn xa khu dân cư. Đồng thời các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao đã dần được ứng dụng. Theo đó, cơ bản đã phần nào đáp ứng được cơ bản nhu cầu về thịt lợn, gia cầm, cá tươi...
 Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải chia sẻ tại hội thảo.
Trong đó, các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Thạch Thất, Ba Vì đã có 25 HTX, trang trại, nhóm nông dân sản xuất rau, chè, cây ăn quả hữu cơ. Nhiều sản phẩm này đã có trên thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận mua với giá cao và ngày càng yêu cầu cung ứng với số lượng lớn. Chăn nuôi hữu cơ cũng mới phát triển chủ yếu theo mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi hữu cơ. Điển hình trang trại Hoa Viên thuộc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc (xã Yên Bình, Thạch Thất). Ngoài sản xuất rau thường và rau rừng, cây thanh long ruột đỏ, xoài, bưởi, ổi... theo hướng hữu cơ, trang trại còn nuôi 1 nghìn lợn rừng sinh sản, cung ứng trên 10 nghìn lợn giống, 2 nghìn lợn thịt hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới ở dạng sơ khai, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn và ổn định. Thực trạng này là do chăn nuôi hữu cơ đòi hỏi các yêu cầu khắt khe; đòi hỏi dài ngày, tăng trọng thấp, tiêu tốn nhiều thức ăn và nhân công, chi phí đầu tư lớn nhưng thị trường hạn hẹp, giai đoạn đầu tiêu thụ chậm, hiệu quả thu nhập thấp. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa được quảng bá về lợi ích của thực phẩm hữu cơ. “Đặc biệt, việc nhận biết và phân biệt giữa thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sinh học, thực phẩm thông thường chưa được chỉ rõ nên người tiêu dùng tuy có nhu cầu song không biết mua ở đâu sản phẩm có chất lượng”, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội nêu.
Nhiều triển vọng
Mặc dù có nhiều thách thức và rủi ro nhưng phát triển chăn nuôi hữu cơ cũng có nhiều thuận lợi để phát triển. Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN đã có định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, ban hành Nghị định và tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, bước đầu có chính sách ưu đãi về vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hữu cơ ổn định, bền vững và hiệu quả, Hà Nội cần hướng dẫn, quảng bá về tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật để chăn nuôi hữu cơ cho nông dân hiểu, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chăn nuôi hữu cơ có hiệu quả. Đồng thời tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm thực phẩm hữu cơ, thông báo rõ sản phẩm có thương hiệu, xuất xứ sản phẩm, nơi bán sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm mua và sử dụng. Các cơ quan chức năng cần có quy định cơ quan thẩm định xác nhận thực phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và cho phép lưu hành, giúp đỡ người sản xuất xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần