Nhiều giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh đứng đầu trong 10 địa phương có số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nhiều nhất năm 2017.

  Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm
Nhân Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 2018 Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm đã chia sẻ về giải pháp an toàn lao động cũng như bảo vệ tính mạng cho người lao động (NLĐ).
Thưa ông, năm 2017, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số NLĐ bị nạn nhiều nhất. Trong năm 2018 này, TP có những giải pháp gì để cải thiện ATVSLĐ?

- Trên địa bàn TP có quy mô các công trường, công trình nhiều hơn so với các nơi khác và dân số lên đến 13 triệu người. Trước thực trạng tỷ lệ TNLĐ xảy ra tăng hơn so với các địa phương khác, Sở LĐTB&XH TP đã tham mưu cho UBND TP ban hành nhiều kế hoạch, phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường kiểm tra; vận động các chủ DN, nhà máy, công trường nâng cao hơn nữa ý thức pháp luật, bảo hộ lao động, ATVSLĐ cho NLĐ trước, trong và sau quá trình làm việc. Tôi tin tưởng với biện pháp này, trong thời gian tới trên địa bàn TP sẽ giảm được TNLĐ. Ngoài ra, chúng tôi cương quyết xử lý hành chính đối với các chủ sử dụng lao động vi phạm pháp luật ATVSLĐ và nghiêm khắc nhắc nhở những NLĐ không chấp hành việc sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.
Ông đánh giá thế nào về tình hình TNLĐ ở khu vực không có quan hệ lao động?

- TNLĐ ở khu vực phi chính thức TP Hồ Chí Minh cũng có xảy ra nhưng tỷ lệ không cao so với các địa phương khác. Nhưng, chúng tôi có phân loại TNLĐ xảy ra theo lĩnh vực, chẳng hạn những công nhân làm ở các công trường xây dựng có nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Tuy nhiên, khi triển khai quy trình về ATVSLĐ, chúng tôi sẽ thực hiện đều các mặt, lĩnh vực chứ không phân biệt nơi có nguy cơ xảy ra TNLĐ cao và thấp.

Giải pháp cụ thể về ATVSLĐ sẽ được thực hiện ở khu vực NLĐ không có hợp đồng lao động là gì, thưa ông?

- TP Hồ Chí Minh có hệ thống truyền thông ở các quận, huyện; hệ thống an toàn vệ sinh viên trong các nhà máy, xí nghiệp. Ngoài huấn luyện kỹ năng về ATVSLĐ, đặc biệt là kiến thức pháp luật an toàn lao động, chúng tôi đặc biệt quan tâm tuyên truyền thông qua nhiều hình thức. Tôi tin khi có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan trên địa bàn TP với lực lượng báo chí, ý thức về ATVSLĐ của mọi người ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực hơn.

An toàn vệ sinh viên là nhân tố quan trọng trong DN để tuyên truyền cho NLĐ thực hiện ATVSLĐ. Tuy nhiên, vừa qua nhiều DN cho biết không thể thực hiện chính sách hỗ trợ cho NLĐ kiêm nhiệm công việc an toàn vệ sinh viên, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Trước tiên, NLĐ phải có ý thức bảo vệ mình khi làm việc trong các công trường, công trình. Thứ hai, những người có ý thức cao và nhiệt tình trong công tác ATVSLĐ là những nhân tố nòng cốt tích cực trong đội, nhóm công nhân. Vì thế, chúng ta nên tổ chức cho họ làm công tác tuyên truyền viên để nhắc nhở lẫn nhau trong quá trình làm việc. Chính sách đối với lực lượng an toàn vệ sinh viên đã được quy định trong pháp luật lao động và các thông tư, nghị định hướng dẫn. Vấn đề là chủ sử dụng lao động có đọc, hiểu và triển khai hay không.

Xin cảm ơn ông!