Nhiều giải pháp gỡ khó cho ngành chăn nuôi

Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giảm nhanh đàn lợn nái, loại thải những con kém chất lượng và phát triển chăn nuôi theo quy hoạch của TP là những giải pháp quan trọng mà ngành nông nghiệp Hà Nội đang triển khai để gỡ khó cho chăn nuôi lợn.

Hà Nội hiện có tổng đàn lợn đứng ở tốp đầu cả nước. Thời điểm tháng 3/2017, toàn TP có hơn 1,4 triệu con lợn, trong đó đàn lợn nái hơn 220.000 con. Với tốc độ phát triển nhanh và tổng đàn lợn lớn như vậy nên người chăn nuôi lợn tại Hà Nội cũng đang rơi vào tình cảnh chung của cả nước là thua lỗ nặng do thịt lợn rớt giá. Tại thời điểm này giá lợn thịt tại các trang trại quy mô lớn chỉ còn khoảng 18.000 – 22.000 đồng/kg. Ở khu vực chăn nuôi quy mô vừa, nhỏ lẻ và chăn nuôi nông hộ, giá còn thấp hơn, khoảng 15.000 – 18.000 đồng/kg, thậm chí có nơi người chăn nuôi chỉ bán ở giá 12.000 - 15.000 đồng/kg. Nhiều gia đình nhìn đàn lợn trong chuồng mà “rơi nước mắt” vì bán không được.
 Chăn nuôi lợn sinh học tại trang trại Bảo Châu, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.
Đặc biệt, lợn rớt giá còn kéo theo nhiều hệ lụy, đó là nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn lợn. Người chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và người tiêu dùng có tư tưởng hoang mang, không yên tâm đầu tư sản xuất. Về nguyên nhân, giống như cả nước, Hà Nội cũng rơi vào tình trạng chung đó là vẫn còn nhiều hộ dân chăn nuôi theo hướng tự phát không theo kế hoạch và quy hoạch, người dân cứ thấy có lãi là đầu tư mở rộng tăng quy mô dẫn tới mất cân đối cung - cầu. Một nguyên nhân nữa là khâu chế biến hiện còn rất yếu, chủ yếu bán thịt nóng, chưa có nhiều nhà máy chế biến sâu các sản phẩm thịt lợn.
Trước bối cảnh trên, ngành NN&PTNT Hà Nội đã tập trung thực hiện một số giải pháp để sớm ổn định tình hình. Trước mắt, giảm nhanh đàn lợn nái, cần loại ngay lợn nái kém chất lượng, năng suất sinh sản thấp. Hiện, số lợn nái kém chất lượng hiện nay chiếm khoảng 30 - 40% tổng đàn nái. Đối với Hà Nội trong thời gian tới cần giảm đàn lợn nái xuống còn 180.000 – 200.000 con. Các hộ chăn nuôi nên sử dụng thức ăn tự phối trộn để giảm giá thành và tận dụng nguồn thức ăn sẵn. Đồng thời chăm sóc đàn lợn, không bỏ đói và vẫn phải thực hiện việc tiêm phòng, giữ vệ sinh môi trường đảm bảo không để bùng phát dịch bệnh. 
 Các DN giết mổ, chế biến cần hợp tác với trại chăn nuôi để thực hiện hợp đồng giết mổ, chế biến cấp đông sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thức ăn từ lợn, tăng sức tiêu thụ của thị trường trong nước, tăng cường giết mổ cấp đông lợn sữa để xuất khẩu hoặc tiêu thụ thị trường nội địa. Quỹ Bình ổn giá của TP cho các trại chăn nuôi quy mô lớn, DN giết mổ, chế biến vay để thực hiện việc loại đàn lợn nái kém chất lượng và thực hiện hợp đồng giết mổ, chế biến cấp đông sản phẩm chăn nuôi.
Về giải pháp lâu dài, các địa phương phải đảm bảo phát triển chăn nuôi theo quy hoạch phát triển chăn nuôi TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 25/2/2013 của UBND TP. Cùng với đó, phát triển chăn nuôi ứng dụng KHCN cao nhằm giảm giá thành sản xuất và ưu tiên theo hướng sản xuất giống, từng bước đưa sản xuất con giống là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi để vừa cung cấp giống cho TP cũng như các tỉnh, thành khác. Đặc biệt, phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi ATTP, cân đối cung cầu, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, chế biến tiêu thụ sản phẩm và cả người tiêu dùng...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần