Nhiều giải pháp phòng ngừa trong phòng, chống tham nhũng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những giải pháp mà Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020” thực hiện trong nhiệm kỳ qua đã mang lại những kết quả tích cực, tạo chuyển biến từ thực tiễn.

Chủ động các giải pháp phòng ngừa
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp từ chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế đến hình sự.

Triển khai Chương trình, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy chỉ đạo xây dựng 13 chuyên đề về từng nhóm nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Đề án 56-ĐA/BCĐ về “Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, DN trong giải quyết công việc trên địa bàn TP” là điểm sáng tạo, thể hiện quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, khoa học, chặt chẽ của Thành ủy Hà Nội trong công tác PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Từ TP đến các quận, huyện, đơn vị, đã chỉ đạo thực hiện Chương trình với tinh thần chủ động và quyết tâm chính trị cao. Trong đó, các cấp ủy chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra công tác thực hiện Chương trình 07-CTr/TU tại quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Qua thực tế triển khai, các đơn vị, quận, huyện cho thấy, các cấp ủy luôn xác định công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm và được thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, thẩm định, phê duyệt dự án…
Đồng thời, các giải pháp tuyên truyền, phổ biến về Luật PCTN; phát các tài liệu hỏi đáp những điều cần biết về các quy định trong lĩnh vực này được chú trọng. Trong nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã tổ chức 1.221 lớp, hội nghị tuyên truyền pháp luật về vấn đề này, với khoảng 210.000 lượt người tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cũng như hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng là một mảng sáng của Hà Nội trong những năm qua. Từ TP đến cơ sở đã tăng cường rà soát các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, ban hành mới 614 văn bản; sửa đổi, bổ sung 154 văn bản về phòng, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi tiếp khách, lễ tân, đi công tác nước ngoài.

Minh bạch cơ chế chính sách

Thời gian qua, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, DN với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ... ngăn chặn biểu hiện “xin cho”, giảm tình trạng “tham nhũng vặt”.

Hà Nội cũng chọn những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của Nhà nước; quy hoạch, đất đai… để kiểm tra, giám sát thường xuyên; kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng.

Đặc biệt, qua thực hiện Chương trình, vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực sự tạo một bước chuyển mới. Đơn cử, tại huyện Đông Anh, cùng với tăng cường công khai, minh bạch các nội dung có nhiều khả năng xảy ra tham nhũng như chủ trương đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư tại cộng đồng, người đứng đầu các cấp ủy thường xuyên đối thoại, tiếp công dân, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân.
Tại quận Tây Hồ, mọi hoạt động quản lý hành chính, đặc biệt là trong công tác thực hiện đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đều được công khai, cùng với tăng ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, cải cách hành chính… đã tạo điều kiện cho người dân giám sát, phòng ngừa các vi phạm…

Công tác kiểm tra vấn đề này được chú trọng và làm thường xuyên. Trong nhiệm kỳ, đã có 2.313 tổ chức, đơn vị triển khai kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Mỗi năm, các cơ quan, đơn vị TP cũng chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng hàng trăm cán bộ, công chức.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Nhìn lại nhiệm kỳ qua cho thấy, các cơ quan chức năng trong PCTN đã kiên trì phối hợp chặt chẽ, khoa học và chủ động tham mưu xử lý hiệu quả các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thành ủy, các cấp ủy đã kiểm tra đối với 9.810 lượt tổ chức Đảng, 4.309 đảng viên; giám sát 4.786 lượt tổ chức Đảng, 3.900 đảng viên.
Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 504 tổ chức Đảng và 1.624 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Các cuộc kiểm tra thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, cơ bản khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Qua kiểm tra giúp các địa phương, đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực xảy ra.

Công tác thi hành kỷ luật Đảng, chính quyền trên địa bàn TP đã được cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp xem xét, xử lý nghiêm minh, kịp thời, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe. Qua đó, đã thi hành kỷ luật 4.143 đảng viên (khiển trách 3.088, cảnh cáo 622, cách chức 72, khai trừ 361); thi hành kỷ luật 59 tổ chức Đảng (khiển trách: 43, cảnh cáo: 16). Qua đó góp phần tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền TP.

Cùng với đó, TP cũng tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh PCTN, lãng phí.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, nhà ở, chính sách đãi ngộ hợp lý, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, tình hình tham nhũng, lãng phí được kiềm chế và từng bước được ngăn chặn.

Từ kinh nghiệm triển khai thực tế, nhiều ý kiến đã đề xuất, thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về PCNT, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nhất là thông tin kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đề cao vai trò nòng cốt của các cơ quan chuyên trách về PCTN; tạo sự đồng thuận và quan tâm của toàn xã hội trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về vấn đề qua, đó chính là giải pháp phòng ngừa hữu hiệu để hướng tới mục tiêu xa hơn trong PCTN.

Trong nhiệm kỳ qua, Thanh tra các cấp đã triển khai 1.673 cuộc, phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý gần 1.400 tỷ đồng; hơn 40ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 207 tập thể, 429 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 21 vụ; xử lý 192 vụ/657 bị cáo bị truy tố các tội danh về tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng được đẩy mạnh, cơ quan Thi hành án dân sự TP đã thụ lý để giải quyết thu hồi tài sản đối với 114 bản án, quyết định của Tòa án 1.028 tỷ đồng.