Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc phục vụ người dân, vừa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng vừa góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch.

Tái hiện không gian chợ vùng cao
Từ ngày 29/4 - 3/5, tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Bài ca thống nhất”. Điểm nhấn của chương trình là chợ phiên vùng cao “Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang”. Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của UBND huyện Hoàng Su Phì với các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông; sản phẩm nông lâm nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực đặc trưng của huyện Hoàng Su Phì. Để tạo ra không gian chân thực, chợ phiên vùng cao còn có sự tham gia của 10 nghệ nhân đồng bào dân tộc Mông với hoạt động múa khèn bên chảo thắng cố.
 Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long.
Cũng trong dịp nghỉ lễ, tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) sẽ tổ chức không gian chợ quê, trưng bày nghệ thuật và các chương trình văn nghệ phục vụ du khách. Điểm nhấn là không gian chợ quê tại sân đình làng Mông Phụ giới thiệu ẩm thực độc đáo Đường Lâm và các sản phẩm OCOP của thị xã Sơn Tây như các loại bánh kẹo, chè lam, nông sản địa phương.
Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng được tổ chức như: Triển lãm trưng bày 1.010 con trâu bằng chất liệu sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát; trưng bày trang phục truyền thống và các vật dụng gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân Đường Lâm; chương trình văn nghệ biểu diễn và giới thiệu về các loại hình diễn xướng dân gian vào tối 1/5.

Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết: Ngoài các tour du lịch tham quan nhà cổ, tìm hiểu di sản và làng nghề truyền thống tại Đường Lâm, du khách cũng có thể chụp ảnh tại các điểm check-in mới được xây dựng dọc tuyến đường làng. Ban Quản lý di tích cũng đang chuẩn bị trưng bày triển lãm về diều sáo, hội thi chim chào mào để du khách có thêm lựa chọn và trải nghiệm thú vị.

Trải nghiệm cùng giá trị văn hóa lịch sử

Không chỉ ở ngoại thành, tại khu vực nội thành cũng tổ chức chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc dành cho du khách đến với Hà Nội. Theo đó, từ 23/4 - 31/5, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa với chủ đề “Chuyện của Gốm” với nhiều hoạt động hấp dẫn giới thiệu về các làng nghề truyền thống của Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước.
Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan chia sẻ: “Hoạt động này sẽ giới thiệu, tôn vinh nghề gốm truyền thống của cha ông với đa dạng các sản phẩm gốm từ truyền thống tới hiện đại. Qua đó thể hiện dòng chảy sáng tạo trên các sản phẩm từ bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân”.

Cùng với hoạt động trưng bày, giới thiệu nghề gốm, tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội – 28 Hàng Buồm cũng diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu nghề đan lát Vinh Ba, Phú Yên – một nét đẹp di sản, một điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên. Cũng nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa chào mừng các ngày lễ lớn, tại đình Đồng Lạc – 38 Hàng Đào còn có hoạt động giới thiệu sản phẩm nghề sơn mài truyền thống với chủ đề: “Tinh hoa sơn mài Việt”.

Bên cạnh đó, các trung tâm văn hóa, di sản tại Hà Nội cũng tổ chức nhiều tour du lịch mới lạ. Đơn cử, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long và Công ty Lữ hành Hanoitourist ra mắt tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Hành trình trải nghiệm tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long kéo dài khoảng 1,5 giờ, du khách được tham quan khu Đoan Môn; xem biểu diễn nghệ thuật trên sàn kính tại hố khảo cổ Đoan Môn, tham quan phòng trưng bày “Thăng Long – Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất”, dâng hương tưởng nhớ 52 vị tiên đế tại điện Kính Thiên, tham quan khu di tích khảo cổ, trải nghiệm giải mã hiện vật Hoàng thành Thăng Long bằng ánh sáng laser trên dòng sông cổ.
Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long.
Điểm nhấn khác biệt của tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” là nhiều khu vực của di sản Hoàng thành Thăng Long được thắp sáng, làm nổi bật vẻ đẹp trường tồn cùng thời gian. Cùng với đó, tại Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng tổ chức tour đêm với 2 phiên bản “Đêm thiêng liêng sáng ngời tinh thần Việt” và “Sống như những đóa hoa”.

Vui chơi nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch

Cùng với Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại TP Hồ Chí Minh cũng sẽ diễn ra nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Mở màn là triển lãm ảnh với chủ đề “Tự hào một dải biên cương” tại Công viên Lam Sơn, quận 1. Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), Trung tâm Ca nhạc nhẹ (Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt diễn ra vào đêm 29/4; chương trình biểu diễn nghi thức kèn đồng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động vào đêm 30/4...

Tại TP Thủ Đức và các quận, huyện cũng diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa, chăm lo cho đời sống sinh viên tại các khu ký túc xá, công nhân tại các khu chế xuất…

Đặc biệt, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định không bắn pháo hoa dịp lễ kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021) và 135 năm ngày Quốc tế Lao động như dự kiến trước đó. Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân bắt buộc đeo khẩu trang tại các khu vực tập trung đông người, khu vui chơi giải trí.

Tại TP Cần Thơ, Ngày hội bánh - trái Mỹ Khánh với chủ đề "Hương vị miền Tây", sẽ diễn ra trong 4 ngày từ 30/4 - 3/5 tại Làng du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền. Ðây là lần thứ hai Ngày hội bánh - trái Mỹ Khánh được tổ chức, nhằm giới thiệu, quảng bá các đặc sản địa phương…