Nhiều kết quả thiết thực từ chương trình khuyến công Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều hoạt động khuyến công đã được triển khai và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Đã có 5.000 lao động được đào tạo nghề; 1.500 cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp được tập huấn nâng cao trình độ; gần 500 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ…

Nhiều hoạt động thiết thực

Năm 2011, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), làng nghề. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội (Trung tâm), tính đến thời điểm này, Trung tâm đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ và đã hoàn thành đạt 98% khối lượng công việc đề ra theo kế hoạch. Theo chỉ đạo của Thành phố và Sở Công thương, Trung tâm đã tập trung hoàn thành việc xây dựng các văn bản trình UBND TP ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT; Cụ thể, Trung tâm đã xây dựng Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2011 - 2015 và đã được UBND TP phê duyệt; Xây dựng và báo cáo Sở Công Thương trình UBND TP phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương, trình Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2011, 2012 với 7 nội dung trọng tâm theo nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Trên cơ sở các kế hoạch được giao, Trung tâm đã tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công theo kế hoạch.

Về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm: Đã tổ chức thành công Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2011, với quy mô trên 400 gian hàng của gần 200 doanh nghiệp Hà Nội và 18 tỉnh, thành trong cả nước. Hội chợ đã giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ tới trên 15.000 lượt khách; tổng giá trị bán lẻ hàng hóa đạt 10 tỷ đồng, tổng giá trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ký thông qua hội chợ đạt khoảng 2 triệu USD… Đồng thời cũng đã tổ chức và hỗ trợ 6 đoàn với gần 50 doanh nghiệp (trong đó có 2 đoàn nước ngoài và 4 đoàn trong nước) tham gia Hội chợ quốc tế chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước. Kết thúc hội chợ 80% số doanh nghiệp tham gia hội chợ tìm kiếm được khách hàng  mới và 60% số doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá trị hàng trăm nghìn đô la Mỹ. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề với sự phối hợp của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các đơn vị lữ hành trên địa bàn Thành phố thông qua phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề. Tổ chức triển khai tuần trưng bày sản phẩm chuyên đề "tranh thủ công mỹ nghệ" tại phòng trưng bày sản phẩm làng nghề Hà Nội nhằm phục vụ thị trường nội địa về trang trí nội thất dịp Tết Nguyên đán Canh dần.

Về công tác đào tạo nghề: Đã tổ chức 101 lớp đào tạo nghề cho hơn 5.000 lao động nông thôn tại 20 quận, huyện, thị xã trên địa bàn, đến nay đã bế giảng và nghiệm thu được 100% số lớp, đây là nguồn bổ sung lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT. Đồng thời tổ chức tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị và điều hành doanh nghiệp cho gần 1.500 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Trung tâm cũng đã triển khai hỗ trợ xây dựng được 2 mô hình trình diễn và hoàn thành hỗ trợ 15 dự án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hỗ trợ 5 doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ thiết kế mẫu mã sản phẩm mới.

Để nâng cao hiệu quả  công tác khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội cũng đã tăng cường tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước, TP Hà Nội về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề; qua đó khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tham gia, thụ hưởng những chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất. Với nhiều chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn, hoạt động khuyến công đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Bên cạnh công tác khuyến công, công tác tư vấn phát triển công nghiệp cũng được chú trọng. Trong năm, Trung tâm đã cơ bản hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhiều hợp đồng tư vấn giám sát, tư vấn lập quy hoạch, tư vấn thẩm định với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng đã được triển khai thực hiện.
 
 
Nhiều kết quả thiết thực từ chương trình khuyến công Hà Nội - Ảnh 1
 
Lụa Vạn Phúc ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Hải Linh 
 

Định hướng năm 2012

Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN, trong năm 2012, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và trình duyệt kế hoạch khuyến công theo chương trình đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Theo đó, các hoạt động hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, tư vấn thiết kế mẫu mã sẽ được đẩy mạnh, sâu rộng hơn. Dự kiến Trung tâm sẽ đề nghị Sở Công Thương trình UBND TP cho phép tổ chức Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2012 vào tháng 10/2012 với quy mô gần 500 gian hàng tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam. Sẽ tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế hàng TCMN trong và ngoài nước, các hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội tại 176 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

Dự kiến, Trung tâm sẽ xây dựng và từng bước cụ thể hóa nội dung đào tạo nghề, truyền nghề, tổ chức 100 lớp đào tạo nghề cho khoảng 5.000 lao động nông thôn trên địa bàn 20 quận, huyện, thị xã với các nghề chủ yếu như: Dệt may, cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, thủ công mỹ nghệ… gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ xây dựng 1 mô hình trình diễn kỹ thuật và 23 dự án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức 10 lớp tập huấn cho khoảng 1.000 học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công, làng nghề trên các phương tiện truyền thông.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 16/2009/TTLT-BCT-BNV quy định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm xúc tiến triển khai đề án thành lập Chi nhánh Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN tại một số huyện, thị xã và xây dựng mạng lưới khuyến công viên cấp xã để đẩy mạnh công tác khuyến công.

 
Trong những năm tới, trên cơ sở Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2011 - 2015 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, căn cứ nhu cầu thực tế của các địa phương, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, các quy định hiện hành của Nhà nước, thành phố, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể của từng năm và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch sau khi đã được UBND TP phê duyệt; Tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của công nghiệp nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội.