Nhiều lợi ích nhờ liên kết trồng cam sạch

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiêu Kỵ là xã tiêu biểu của huyện Gia Lâm về thực hiện chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả giá trị cao. Hiện, trên địa bàn xã có nhiều hộ gia đình nông dân trở thành tỷ phú, làm nên cơ nghiệp nhờ liên kết trồng cam VietGAP.

 Vườn cam VietGAP của hộ ông Trần Văn Bình, ở thôn Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Là người tiên phong đưa giống cam về trồng trên đất Kiêu Kỵ, ông Trần Văn Bình, ở thôn Báo Đáp đang là chủ sở hữu của vườn cam 8 ha sai trĩu quả ngọt. Hiện, vườn cam của ông Bình bước sang tuổi 13, với 500 gốc cam Vinh và 200 gốc cam Canh. Ông Bình chia sẻ: “Nhờ thực hiện trồng theo quy trình VietGAP nên cam luôn được giá và ổn định về đầu ra. Năm 2018, gia đình tôi xuất bán ra thị trường 100 tấn cam, với giá bán trung bình 40.000 - 45.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi gần 3 tỷ đồng”.

Học tập kinh nghiệm từ mô hình của ông Bình, đến nay, trên địa bàn xã Kiêu Kỵ đã có gần 10 hộ đầu tư trồng cam VietGAP có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiêu Kỵ Vũ Danh La cho biết, hiện, toàn xã có gần 200 ha trồng cam, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Báo Đáp. Những năm gần đây, được hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội về kỹ thuật thâm canh nên cây cam cho năng suất, chất lượng cao và trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Xác định sản xuất an toàn là hướng phát triển bền vững nên các chủ vườn cam ở Kiêu Kỵ luôn đặt việc đảm bảo quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn lên hàng đầu. Đáng chú ý, để nâng cao giá trị cho sản phẩm, Hội Nông dân xã Kiêu Kỵ đã thành lập Tổ hợp tác trồng cam VietGAP với 38 thành viên để liên kết sản xuất, tiêu thụ. Theo đó, các thành viên đã góp trên 100 triệu đồng làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó, các thành viên còn tham gia giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP với nguyên tắc tuyệt đối không tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép.

Được biết, Hội Nông dân TP Hà Nội và huyện Gia Lâm đang phối hợp tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cam Báo Đáp”. Cùng việc quy hoạch, mở rộng diện tích thâm canh, xây dựng mô hình trồng cam VietGAP bền vững, các cấp Hội Nông dân còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân duy trì sản xuất an toàn. Đồng thời, tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho vùng cam VietGAP phát triển thuận lợi, UBND huyện Gia Lâm đã phê duyệt dự án đầu tư bê tông hóa các trục đường chính giao thông nội đồng và mở rộng mạng lưới điện phục vụ sản xuất cho các hộ trồng cam.