Nhiều luật để làm gì?

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ai cũng biết, càng nhiều các dự án Luật được thông qua sẽ góp phần hoàn thiện và đồng bộ hệ thống pháp luật để quản lý tốt quốc gia.

Nhưng nếu cứ để liên tục xảy ra tình trạng “luật ngắn ngày” hay “luật treo” thì vừa lãng phí thời gian, tiền bạc lẫn gây khó khăn cho việc thực thi.
Nói như Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai, thời gian qua, quy trình xây dựng pháp luật của Quốc hội cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần phải được xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng. Đặc biệt, cần quan tâm đến tính thực thi và phù hợp với thực tiễn. 
Theo số liệu do Cơ sở dữ liệu pháp luật Bộ Tư pháp cung cấp, tính từ ngày 1/1/1987 đến 30/11/2008, chỉ tính riêng văn bản pháp luật do các cơ quan T.Ư ban hành thì hệ thống pháp luật Việt Nam đã có tới 19.126 văn bản, trong đó có 208 luật, bộ luật, 192 pháp lệnh, 2.097 nghị định, 267 nghị quyết và 36 thông tư, 1.213 thông tư liên tịch... Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật như vậy là nhiều và vẫn quá đa dạng.
Không chỉ nhiều về số lượng, việc tuổi thọ quá ngắn ngủi của không ít luật được ban hành còn gây băn khoăn trong dư luận. Đơn cử như tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, 439/450 đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành (chiếm 90,70% tổng số đại biểu Quốc hội) thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Điều đáng nói, Luật này mới chỉ có hiệu lực được khoảng 3 năm. “Như vậy, tuổi thọ của Luật rất ngắn” - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai nhận định.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cải cách thể chế mạnh mẽ như hiện nay, tính ổn định của pháp luật chỉ là tương đối. Ngay cả những văn bản luật mới được ban hành cũng có thể có điểm bất hợp lý, vì thế việc thường xuyên thay đổi là cần thiết.
Tuy nhiên, không thể vì thế mà để vòng đời các luật có xu hướng ngày càng gắn lại. Lại càng không để cứ đi xây dựng một luật mới phải sửa nhiều luật khác, rồi luật “chờ nghị định, nghị định chờ thông tư”.
Chúng ta đã có bài học nhãn tiền như khi ban hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 đã cần đến trên 40 văn bản pháp luật khác nhau để hướng dẫn thi hành. Luật Đất đai năm 2003 muốn được thực hiện phải dựa trên 126 văn bản. Nói thế để biết kể từ khi đại biểu ấn nút thông qua Luật đến khi đi vào cuộc sống phải mất vài năm.
Không đâu xa, ví dụ Luật Quy hoạch được Quốc hội tranh cãi, bàn thảo rất nhiều mới được thông qua. Ngày 1/1/2019, quyết định có hiệu lực nhưng mất hơn 5 tháng, mãi ngày 7/5/2019, Chính phủ mới ban hành được Nghị định số 37 năm 2019. Tuy Nghị định này có hiệu lực ngay từ ngày ký nhưng trong đó lại không nêu rõ 3 quy hoạch nền tảng gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển và Quy hoạch không gian đất quốc gia bao giờ sẽ trình Quốc hội và khi nào Quốc hội sẽ thông qua. Thế thì bao giờ Luật này đi vào cuộc sống thì chính những đại biểu Quốc hội - những người vừa ấn nút thông qua cũng… đành chịu. Quá lạ!
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật. Tuy nhiên, người dân mong muốn, đã đến lúc các đại biểu Quốc hội nên thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khi xem xét bấm thông qua các dự án luật để làm sao có nhiều luật khi thông qua nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và tính khả thi. Việc giám sát “hậu bấm nút” cũng cần phải được Quốc hội thực hiện sát sao hơn nữa!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần