|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị. |
Đánh giá cao những thành tích ngành tài chính đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tinh thần làm việc từ lãnh đạo Bộ đến các cơ quan trực thuộc đã có nhiều cố gắng, “rất lo lắng đến nhiệm vụ được giao”. “Hình ảnh đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng…, cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch nhiều địa phương lăn lộn để tìm nguồn thu, đốc thu ở các địa phương, từng địa bàn, từng cơ sở, đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng ghi nhận.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm của ngành rất nặng nề. Vì thế, thời gian tới, ngành cần tiếp tục khắc phục các tồn tại, bất cập để công tác tăng thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế đạt hiệu quả hơn.
Một bất cập mà người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra là vẫn có tư duy coi trọng tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Hiện tại, xã hội đã xuất hiện nhiều lĩnh vực mới, liên kết toàn cầu như thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, Uber, Grab. Đây là những “mỏ vàng” mở rộng cơ sở thuế nhưng theo Thủ tướng: “Ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm nên lúng túng trong hoạch định để quản lý”. Do vậy, quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì chính sách tài chính, chính sách thuế còn chậm, các quy định về chính sách thuế chưa theo kịp, chưa tương thích với quy định của OECD, Liên Hợp Quốc, UNDP nên các hoạt động chuyển nhượng gián tiếp ngoài Việt Nam giữa các tập đoàn nước ngoài như chuyển nhượng vốn, cổ phần, chuyển giao tài sản vô hình… thường không thu được thuế hoặc có thu thì cũng xảy ra tranh chấp quốc tế.
“Rõ ràng các hoạt động trên thuộc quyền đánh thuế của Việt Nam nhưng chính sách của chúng ta chưa theo kịp quá trình hội nhập nên đã nhường quyền đánh thuế cho người khác hoặc phải theo các vụ kiện cáo của các tập đoàn nước ngoài. Do đó, cần phải rà soát lại các quy định về chính sách thuế hiện hành, so sánh, đối chiếu với các quy định, chuẩn mực của OECD, Liên Hợp Quốc để hoàn thiện các luật thuế bổ sung, sửa đổi lần này phải theo kịp, tương thích với quy định quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo Thủ tướng, có tư duy xây dựng chính sách thuế theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý mà chưa hướng tới bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Có tình trạng DN bị oan vì chính sách thuế thay đổi quá nhanh. Đây là lỗi của cơ quan Nhà nước. Vì thế, người đứng đầu Chính phủ đề nghị chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển của đất nước, phải ổn định trong 5 - 10 năm. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ liên quan lưu ý khi thẩm tra các dự án luật để đảm bảo điều này.
Còn tình trạng nhóm lợi ích “làm phép" tài sản công
Thủ tướng cũng cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công.
“Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở TP Đà Nẵng. Nhà nước được cái gì?”- Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.
Về cải cách hành chính, Thủ tướng đánh giá cải cách hành chính về thuế đã tiến được một bước rất dài. Chỉ số nộp thuế theo xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đã tăng mấy chục bậc và đứng thứ 4 ở ASEAN. Vì vậy, người dân và DN hưởng lợi hàng trăm nghìn tỷ đồng với cải cách quan trọng này.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở, ngành tài chính không được say sưa với thành công này mà phải tận dụng cách mạng công nghệ 4.0 để đẩy nhanh hơn nữa điện tử hóa tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành như cấp mã số thuế điện tử, các thủ tục trước bạ ô tô, nhà đất đều điện tử… tiếp đến kiểm tra điện tử, thanh tra điện tử. “Phải làm cho người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn nữa quá trình cải cách hành chính về thuế”, Thủ tướng nhấn mạnh.