Nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/7, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định về vấn đề này.

Cụ thể, VPBank, Eximbank, VietinBank, Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5% (từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm theo đúng quy định của NHNN) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao. BIDV, LienVietPostBank lại áp dụng mức lãi suất tối đa 6%/năm (thấp hơn so với quy định 0,5%/năm).

Đối với kỳ hạn dài, LienVietPostBank thông báo giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên. Agribank giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên. Eximbank còn triển khai các sản phẩm cho vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với từng đối tượng khách hàng DN với mức lãi suất khá cạnh tranh (dưới 7%/năm).

Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, VPBank còn hỗ trợ tối đa DN nhỏ và vừa bằng cách giới thiệu các sản phẩm cho vay tín chấp khác biệt, giúp DN nhỏ có thể tiếp cận dễ dàng nguồn vốn từ ngân hàng mà không cần có tài sản thế chấp. Theo đó, VPBank có thể hỗ trợ các DN nhỏ lên tới 5 tỷ đồng; hoặc cấp cho các DN sản phẩm thẻ tín dụng DN VPBiz, cho phép DN vay nhanh tới 2 tỷ đồng.

Trước đó, nhiều ý kiến lo ngại, lãi suất giảm nhưng nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ khó tiếp cận được nguồn vốn vay do các điều kiện phức tạp. Nay khi lãi suất được “lệnh” giảm không cẩn thận sẽ biến tướng chuyển sang những kênh hấp dẫn hơn như tiêu dùng, bất động sản. “Các ngân hàng có thể còn đẩy mạnh hơn cho vay tiêu dùng và các lĩnh vực khác mà lãi suất là theo thỏa thuận. Còn lượng tín dụng với giá rẻ cũng có nguy cơ sẽ không theo tín hiệu thị trường mà được phân phối cho các DN lớn theo chỉ định. Thậm chí, dòng vốn có thể chảy dựa trên mối quan hệ, đặc biệt là khi chính sách lãi suất thấp hơn không dựa trên mặt bằng lãi suất chung, mà chỉ dành cho một số ngành ưu tiên cụ thể” - TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) quan ngại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần