Nhiều nỗi lo từ dịch sởi

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện đang là thời diểm “vào mùa” của dịch sởi. Tại Hà Nội, số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay đã tăng gấp gần 5 lần so với tổng số ca mắc năm 2017. Trong khi đó, nhiều phụ huynh vẫn chủ quan trong việc tiêm vaccine phòng sởi, thậm chí thiếu kiến thức chăm sóc khi trẻ mắc bệnh.

90% trẻ mắc sởi do chưa tiêm phòng
Từ đầu năm đến nay, tại Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận hơn 300 trẻ mắc sởi, trong đó có 34 trẻ biến chứng nặng. Trưởng Khoa Nhi Bùi Vũ Huy cho biết, 100% số trẻ mắc sởi vào nhập viện đều chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi. “Khoảng 2 – 3 năm sau khi vaccine sởi được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng thì có rất ít bệnh nhân mắc sởi.
Phó trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi trưa 8/8. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, vài năm gần đây nhiều phụ huynh đi theo “trào lưu” không tiêm vaccine cho con do lo ngại sự an toàn dẫn đến dịch sởi có nhiều nguy cơ bùng phát lại” – TS Bùi Vũ Huy chia sẻ. Như trường hợp cặp song sinh 11 tháng tuổi đang nằm điều trị tại khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư bị viêm phổi nặng do biến chứng của sởi cũng chưa được tiêm phòng vaccine.
Tại BV Đa khoa Xanh Pôn, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân - Phụ trách Khoa Nhi tổng hợp cho biết, từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận điều trị khoảng 120 ca mắc sởi, vài tháng gần đây số bệnh nhi nhập viện có xu hướng tăng lên. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều bị biến chứng nặng phải thở máy. Hiện có 8 trẻ đang được điều trị tích cực. Điều đáng nói, số ca mắc sởi mà có diễn tiến nặng thành viêm phổi đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ.

Trước tình trạng trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi tăng cao, sắp tới Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi thay vì tiêm lúc 9 tháng tuổi như hiện nay tại 17 tỉnh, thành đang có nguy cơ bùng phát dịch sởi.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, chỉ riêng trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc sởi, nâng tổng số ca mắc lên 290 trường hợp. Trong đó, 90% trường hợp trẻ mắc sởi là do chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh. Theo ông Cảm, tuy chưa ghi nhận ổ dịch lớn nhưng vẫn đang là “mùa” của bệnh sởi nên không thể loại trừ nguy cơ bùng phát dịch. Đặc biệt, bệnh sởi có nhiều triệu chứng giống với bệnh rubella, sốt phát ban nên nhiều cha mẹ chủ quan dẫn đến bệnh diễn tiến nặng mới đưa trẻ đi BV gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Sai lầm khi chăm sóc trẻ mắc sởi

Theo TS Bùi Vũ Huy, bản thân ông từng gặp rất nhiều mẹ chăm sóc con bị bệnh sởi một cách phi khoa học như cho trẻ kiêng ăn, kiêng gió và kiêng nước. TS Huy phân tích, khi trẻ mắc sởi cơ thể sẽ mệt mỏi, thiếu sức đề kháng, do đó nếu thực hiện chế độ ăn kiêng, chỉ ăn cháo trắng sẽ bị suy nhược, thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng. Từ đó, thời gian điều trị phải kéo dài và nguy cơ biến chứng nhiều bệnh khác.

Đối với kiêng gió và nước khi trẻ bị sởi, TS Huy cho rằng, chính việc này dẫn đến trẻ không được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày nên tỷ lệ viêm phổi của trẻ tăng lên. Vì kiêng gió, nên cha mẹ thường ủ kín cho con trong khi trẻ sốt cao, toát mồ hôi tại các vết ban gây ngứa ngáy, gãi trợt da, dễ nhiễm trùng. Đặc biệt, TS Huy chia sẻ câu chuyện cách đây nhiều năm mà đến giờ ông vẫn sợ hãi - đó là khi bản thân ông chứng kiến một trường hợp bệnh nhi mắc sởi và bị "cam tẩu mã” rất nặng nề (vi khuẩn ăn hết xương hàm khiến toàn bộ răng của trẻ rụng) do cha mẹ kiêng nước, không vệ sinh răng miệng tốt khi con mắc sởi.

Do vậy, TS Huy khuyến cáo, để phòng bệnh sởi, phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm vaccine sởi đúng lịch và đầy đủ. Trong trường hợp đến lịch tiêm mà trẻ bị ốm cần tiêm bù ngay sau khi trẻ khỏi để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh. Ngoài ra, phụ huynh cần chủ động tìm hiểu các kiến thức về bệnh sởi từ dấu hiệu cho đến cách chăm sóc và điều trị. Khi trẻ sốt cao, kèm các biến chứng như ho, bỏ ăn, khó thở, đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần