Nhiều nơi tại Italia không còn đếm nổi người chết vì Covid-19

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Italia hôm 21/3 chứng kiến mức kỷ lục về số ca bệnh Covid-19 tử vong trong ngày tại nước này, nâng tổng số người chết vì virus lên mức gần 5.000 người chỉ sau chưa đầy 1 tháng bùng phát.

Một bác sĩ động viên đồng nghiệp tại bệnh viện ở Cremona, Italia. 
Trong 24h ghi nhận mới nhất, có 6.557 ca nhiễm mới và 793 trường hợp tử vong do Covid-19 tại Italia. Như vậy, quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất ở châu Âu này hiện đã ghi nhận 53.578 trường hợp dương tính, với 4.825 ca tử vong - cao nhất thế giới lúc này.
Tuy nhiên, những con số do báo cáo bởi Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia được cho có thể chưa phải là toàn bộ câu chuyện, khi nhân viên y tế nhiều địa phương không còn đếm nổi số bệnh nhân Covid-19 do tình trạng quá tải.
“Chúng tôi đang ở ngưỡng cuối sức chịu đựng… Chúng tôi không có đủ nguồn lực, giờ đây các nhân viên đã bắt đầu đổ bệnh”, Romano Paolucci, bác sĩ đã nghỉ hưu, nay được huy động để đối phó với Covid-19 tại Cremona - tỉnh bị ảnh hưởng nặng thứ 4 tại Italia. 20% y, bác sĩ tại đây đã phải gửi trở về nhà sau khi bị nhiễm virus trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Tình trạng tương tự cũng được báo cáo tại Milan, khi Daniela Confalonieri, 1 y tá tại bệnh viện San Raffaele đã đăng tải video trên trang cá nhân để báo động về sự quá tải bệnh nhân từ khắp vùng Bologna đổ về. “Mức độ lây nhiễm cao và chúng tôi thậm chí không đếm được người chết nữa rồi”, bà Daniela nói.
Liên quan đến vấn đề quá tải y tế do dịch bệnh bùng phát tại Italia, Giáo sư Robert Booy, từ ĐH Sydney nhận định rằng quốc gia Nam Âu dường như không thể “làm phẳng đường cong” Covid-19 được nữa.
Đường cong dịch bệnh. 
“Nếu tốc độ lây nhiễm ở mức tăng gấp đôi cứ sau khoảng 3 ngày như Italia, thì nghĩa là có thể đi từ 1.000 ca đến 4.000 ca chỉ trong 1 tuần và đến cuối tuần thứ 2 sẽ chạm mức 16.000”, GS. Booy nói trong một video do Viện hàn lâm Khoa học Australia công bố, “khoảng cách giữa 1.000 và 16.000 chỉ là 2 tuần”.
“Họ đã nhận ra vấn đề quá muộn”, GS. Booy nhận định lý do cho tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao tại Italia dù nước này đã thực hiện lệnh hạn chế trên toàn lãnh thổ.

Các mốc quan trọng trong bùng phát Covid-19 tại Italia

• 31/1: Italia lần đầu xác nhận virus ở 2 khách du lịch Trung Quốc đến thăm Rome. Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng và trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tạm dừng các chuyến bay từ Trung Quốc.

• 21/2: Italia báo cáo các trường hợp lây nhiễm địa phương đầu tiên, cùng trường hợp tử vong đầu tiên - 1 người đàn ông 78 tuổi ở vùng Veneto.

• 22/2: Italia tuyên bố áp lệnh hạn chế với khoảng 50.000 người dân ở vùng Bologna và Veneto.

• 4/3: Với hơn 2.500 trường hợp được xác nhận, Italia tuyên bố đóng cửa các trường học và ĐH.

• 8/3: Với gần 5.900 trường hợp, Italia ra lệnh phong tỏa 16 triệu người ở khu vực phía Bắc, đồng thời đóng cửa các điểm đến du lịch trên toàn quốc.

• 10/3: Với gần 7.400 trường hợp, lệnh hạn chế được mở rộng ra toàn bộ Italia, ngăn chặn việc đi ra nước ngoài và đi lại giữa các khu vực.

• 11/3: Với gần 12.500 trường hợp, chính phủ Rome tạm dừng gần như tất cả các hoạt động thương mại, ngoại trừ các siêu thị và nhà thuốc.

• 19/3: Italia vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia có nhiều ca tử vong do Covid-19 được báo cáo nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần