Nhiều "ông lớn" công nghệ bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức nhân quyền Amnesty vừa cáo buộc Apple, Samsung và Sony cùng nhiều tập đoàn khác, nhập các nguyên liệu từ các công ty có sử dụng lao động trẻ em.

Theo một báo cáo của tổ chức này, tại mỏ cobalt ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), trẻ em từ 7 tuổi phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Cobalt là thành phần quan trọng trong pin lithium-ion.
 Trẻ em đang bị bóc lột lao động tại các mỏ khoáng sản.
Trẻ em đang bị bóc lột lao động tại các mỏ khoáng sản.
Cộng hòa Dân chủ Congo sản xuất ít nhất 50% lượng cobalt trên toàn thế giới. Những người khai thác mỏ trong khu vực phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe mãn tính và nguy cơ tử vong bởi tai nạn, theo Amnesty. Tổ chức này cho tiết, ít nhất 80 thợ mỏ đã thiệt mạng dưới hầm mỏ ở phía nam Congo từ tháng 9/2014 đến 12/2015.
Tổ chức này cũng thu thập các thông tin từ các trẻ em được cho là làm việc tại các mỏ khoáng tại Congo.
Nhiều công ty công nghệ bị cáo buộc không kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu.
Nhiều công ty công nghệ bị cáo buộc không kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu.
Paul - một trẻ mồ côi 14 tuổi, bắt đầu làm việc tại mỏ khoáng từ 12 tuổi, nói: “Cháu ở cả ngày dưới các hầm mỏ. Cháu đến mỏ làm việc từ sáng và rời hầm mỏ vào sáng hôm sau. Cha nuôi không cho cháu đi học và bắt cháu làm việc ở hầm mỏ”
Tổ chức UNICEF ước tính, có khoảng 40.000 trẻ em đang làm việc tại các mỏ khoáng ở Congo.

Phản ứng trước báo cáo này, đại diện Apple cho biết, công ty tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt về chuỗi cung ứng của mình và bất kỳ nhà cung cấp phát hiện thuê lao động vị thành niên sẽ buộc phải tài trợ tiền cho người lao động trở về nhà... Về vấn đề khai thác cobalt, công ty này cho biết thêm: "Chúng tôi đang đánh giá các vật liệu khác nhau, bao gồm cobalt, để xác định các rui ro môi trường”.

Đại diện Samsung cho biết, tập đoàn này có một "chính sách không khoan nhượng" đối với lao động vị thành niên. "Các nhà cung cấp sử dụng lao động trẻ em sẽ bị chấm dứt hợp đồng ngay lập tức nếu phát hiện vi phạm", đại diện công ty cho hay.

Đại diện Sony nhận xét: "Chúng tôi đang làm việc với các nhà cung cấp để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và điều kiện lao động của con người ở các địa điểm sản xuất, cũng như trong việc mua sắm các khoáng chất và các nguyên liệu khác."

Báo cáo của Tổ chức Amnesty đã lần theo các thương lái mua cobalt từ những nơi sử dụng lao động trẻ em và bán cho Congo Dongfang Mining (CDM), một công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu của người khổng lồ khoáng sản Trung Quốc Chiết Giang Huayou Cobalt Ltd.

Tổ chức này đã liên lạc với 16 công ty đa quốc gia là khách hàng của các nhà sản xuất pin nhập nguyên liệu từ Huayou Cobalt.
 Công nhân tại các mỏ khai khoáng chỉ nhận được vài USD/ngày và đối mặt với các bệnh phổi mãn tính.
Công nhân tại các mỏ khai khoáng chỉ nhận được vài USD/ngày

và đối mặt với các bệnh về phổi mãn tính.
Một công ty đã thừa nhận đã nhập nguyên liệu từ Huayou Cobalt Ltd trong khi 4 công ty khác không chứng minh được nguồn gốc cobalt họ sử dụng. 5 công ty từ chối tìm nguồn cung ứng khoáng sản. 6 doanh nghiệp nói rằng họ đang điều tra các khiếu nại.
Mark Dummett, nhà nghiên cứu kinh doanh và quyền con người tại Amnesty cho rằng, việc sử dụng lao động vị thành niên là "một trong những hình thức tồi tệ nhất".

"Sự trưng bày đẹp đẽ và tiếp thị của các công ty công nghệ là sự tương phản hoàn toàn với sự thật là trẻ em phải mang theo túi đá và các thợ mỏ trong hầm nhân tạo, mắc các bệnh gây tổn hại phổi vĩnh viễn", ông nói.

"Hàng triệu người dân được hưởng những lợi ích của công nghệ mới, nhưng hiếm khi quan tâm đến nguồn gốc của chúng. Đây là thời điểm các thương hiệu lớn phải có trách nhiệm đến việc khai thác các nguyên liệu tạo nên sản phẩm sinh lời của họ”, Mark Dummett nói thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần