Nhiều “ông lớn” trĩu vai vì nợ nần

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo tài chính quý III/2017 đang lần lượt được các DN công bố. Theo đó, nhiều “ông lớn” một thời sau thời gian dài chật vật tái cơ cấu vẫn kinh doanh bết bát, thua lỗ liên tục.

Trong khi chi phí quản lý được cắt giảm thì chi phí vốn vay vẫn khiến khối DN thua lỗ này càng oằn vai vì nợ nần.
Liên tục báo lỗ

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã CK: DHB) tiếp tục cho thấy bức tranh không mấy lạc quan của "cánh chim đầu đàn" một thời trong ngành sản xuất phân đạm Việt Nam. Sau 9 tháng năm 2017, DN này báo lỗ hơn 480 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế đến cuối tháng 9 lên 2.200 tỷ đồng, xấp xỉ 80% vốn điều lệ.

Nguyên nhân thua lỗ, tương tự như cùng kỳ năm trước, đến từ khoản chi phí lãi vay quá lớn. Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng của DHB cho thấy, nợ phải trả đến 30/9 của DN này là hơn 9.250 tỷ đồng so với con số 8.869 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2017. Trong hơn 1.768 tỷ đồng nợ ngắn hạn thì vay và nợ thuê tài chính chiếm con số cao nhất, hơn 1/3 tổng số nợ, ở mức gần 663 tỷ đồng. Trong gần 7.500 tỷ đồng nợ dài hạn thì vay và nợ thuê tài chính chiếm đến 7.408 tỷ đồng. Mục chi phí tài chính 533 tỷ đồng thì chi phí lãi vay chiếm hơn 523 tỷ đồng.

Sản xuất phân bón tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Tương tự DHB, Công ty CP Vinaconex 39 (HNX: PVV) cũng tiếp tục báo lỗ quý thứ 7 liên tiếp (từ quý I/2016 đến quý III/2017) với con số 18 tỷ đồng. Theo đó, số lỗ lũy kế 9 tháng lên con số 28 tỷ đồng, xa vời so với kế hoạch có lãi 12 tỷ đồng cho cả năm 2017. Chi phí tài chính tiếp tục là nhân tố khiến PVV lỗ tài chính hơn 7 tỷ đồng. Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn vẫn duy trì lần lượt là 270 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.

DN tiếng tăm một thời nữa là Công ty CP DAP - Vinachem (Mã CK: DDV) cũng đang loay hoay trong vòng tái cơ cấu. Tuy chưa công bố kết quả kinh doanh quý III, nhưng kết quả kinh doanh bán niên của DDV cũng không mấy khả quan. Tổng doanh thu đạt gần 935 tỷ đồng, tương đương 45% kế hoạch năm và vẫn ghi nhận lỗ ròng gần 41 tỷ đồng.

Cơ cấu lại khoản nợ

Theo giới phân tích, việc tái cấu trúc đối với các DN đang trong giai đoạn khó khăn, nợ vay nhiều đầu tiên cần phải tái cấu trúc các khoản nợ, đàm phán với các chủ nợ để trì hoãn các nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn. Sau đó, DN cũng phải cần "bơm" thêm một dòng tiền mới bổ sung vốn lưu động để đảm bảo khả năng hoạt động liên tục, chống chọi qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, để có thể tái cấu trúc thành công, DN cần phải xác định được vấn đề cốt lõi, trọng tâm. Đó có thể là cơ cấu lại nợ, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, tăng quản trị, minh bạch tài chính, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm…

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi vay chỉ là một phần rất nhỏ trong các nguyên nhân gây thua lỗ của các DN. Một DN hoạt động tốt thường không phải vay ngân hàng nhiều. "Chi phí lãi vay chiếm khoảng 10% chi phí hoạt động của DN mà thôi. Bởi vậy, các DN quá nặng gánh chi phí vốn vay cần phải xem lại hoạt động của mình. Phải lên phương án hoạt động và nhìn thấy điểm nào cần điều chỉnh, bổ sung”- ông Hiếu nói. Cũng theo vị chuyên gia này, DN cần cơ cấu lại nợ, vay ngân hàng càng ít càng tốt, tăng cường thu hồi tài sản có, thu hồi nợ bán hàng để có dòng tiền quay vòng nhanh hơn, tránh lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, tăng cường quản trị cũng là việc rất cần thiết. “Quản trị là đầu mối của mọi chuyện. Quản trị DN tốt, càng tiệm cận chuẩn quốc tế thì DN càng lành mạnh, minh bạch”- ông Hiếu nhấn mạnh.q
Sản xuất phân bón tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.