Nhiều phim tranh giải, có bớt nhạt?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa giải Cánh Diều Vàng năm ngoái, Hội Điện ảnh Việt Nam từng đau đầu trước tình cảnh lơ thơ số lượng phim tham gia tranh giải, lại đầy “sạn”.

Song năm nay, cuộc đối đầu của 17 phim điện ảnh gửi về Ban Tổ chức là một dấu hiệu khả quan cả về số lượng lẫn chất lượng của giải thưởng vốn được coi là Oscar của điện ảnh Việt.

Đau đầu tìm quyết định

Những bộ phim có doanh thu cao như “Cô dâu đại chiến 2”, “Quả tim máu”, “Đoạt hồn”, “Scandal - Hào quang trở lại”, “Hương Ga”, “Để mai tính 2”, “Chàng trai năm ấy”... là những gương mặt sáng giá của mùa giải năm nay. Nếu như năm ngoái, chỉ có một phim Nhà nước tham gia tranh giải, thì năm nay có tới 3 phim. Trong đó có cả bộ phim “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) của Hãng Phim truyện Việt Nam từng “dậy sóng” dư luận vì 3 ngày công chiếu mà không bán được vé. Cùng với đó là sự tham gia của những bộ phim về đề tài Bác Hồ, hoặc thực hiện theo đặt hàng của Nhà nước: “Thầu Chín ở Xiêm” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) của Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam, “Những đứa con của làng” (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), “Mộ gió” (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần). Tiếc là 2 bộ phim từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và đoạt doanh thu cao nhất trong mùa phim Tết là “Đập cánh giữa không trung” và “Trúng số” không được tham gia tranh giải vì gửi đăng ký quá muộn.

 
Một cảnh trong phim “Cô dâu đại chiến 2”.
Một cảnh trong phim “Cô dâu đại chiến 2”.
Năm nay, sự lựa chọn dành cho Ban Giám khảo Cánh Diều Vàng nhiều hơn, vì chất lượng phim tham dự tốt hơn, số lượng cũng tăng lên so với các năm trước. Tuy nhiên, Ban Giám khảo vẫn sẽ phải đau đầu để đưa ra quyết định phim nào đoạt giải: Phim đạt doanh thu cao hay phim đạt giá trị nghệ thuật. Chắc chắn những người cầm cân nảy mực sẽ phải nâng lên đặt xuống những “hệ” giá trị quá khác biệt giữa phim thương mại, phim Nhà nước, phim nghệ thuật. Và khó khăn nhất là hiếm những nhân tố xuất sắc bật hẳn lên so với mặt bằng chung.

Thêm hy vọng vào gương mặt mới

Đồng hành với số lượng phim tham gia tranh giải tăng, phong phú nhiều dòng phim là những gương mặt “mới toanh” nhưng lại ghi dấu ấn ở cả lĩnh vực đạo diễn, diễn xuất… Cho đến giờ, người yêu điện ảnh khó lòng đoán được ngôi vị Nữ diễn viên xuất sắc nhất, Nam diễn viên xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất… của Cánh Diều Vàng 2014 sẽ thuộc về ai. Bởi năm nay là cuộc cạnh tranh giữa những gương mặt cũ và mới. Nếu như đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh, Victor Vũ, Bùi Tuấn Dũng… đã khẳng định tên tuổi qua nhiều tác phẩm điện ảnh, thì các gương mặt mới như Phan Cường Ngô, Nguyễn Quang Huy cũng rất “đáng gờm” với cách thể hiện một tác phẩm điện ảnh mang đầy dấu ấn riêng, có cái nhìn của người trẻ, sự tiếp nhận nhiều luồng điện ảnh trên thế giới. 
Hội đồng Ban Giám khảo năm nay gồm 6 ban. Đáng chú ý là 11 vị giám khảo của phim truyện điện ảnh gồm: GS.TS Trần Luân Kim, nhà văn Chu Lai, NSND Đào Bá Sơn, NSƯT Nguyễn Vĩnh Sơn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, NSND Nguyễn Hữu Tuấn, NSND Trà Giang, họa sĩ Lã Quý Tùng, nhạc sĩ Bảo Chấn, đạo diễn âm thanh Nguyễn Họ Hà, nhà báo Cát Vũ.

Chưa biết mùa giải 2014 có gọi được tên những ứng viên xứng đáng nhất hay không, nhưng ít nhất sự gia tăng về số lượng và sự đa dạng trong cách thể hiện các tác phẩm, cũng như cuộc cạnh tranh sôi nổi giữa các gương mặt cũ và mới ở nhiều hạng mục, đã có thể cho người ta hy vọng và chờ đợi. Dự kiến, Cánh Diều 2014 sẽ được trao cho các chủ nhân vào ngày 12/3 tới. Các buổi chiếu phim phục vụ việc chấm giải sẽ mở cửa miễn phí cho các khán giả tại 3 địa điểm: BHD Star Phạm Hùng, CGV Thảo Điền và Trung tâm Văn hóa Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Khán giả nhận giấy mời xem phim tại các rạp trên từ 5 - 8/3.