Nhiều trường tăng chỉ tiêu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, nhiều trường ĐH và CĐ đã dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 theo hướng tăng hệ chính quy và giảm liên thông, vừa học vừa làm. Mặc dù nguồn nhân lực kinh tế đang dư thừa, nhưng vẫn có trường buộc phải tăng chỉ tiêu nhóm ngành tài chính, kế toán.

Tiên phong sơ tuyển

Nói về phương án tuyển sinh mới của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2014, PGS Hoàng Minh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, trường dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH ổn định như năm ngoái là 5.600 cho 7 nhóm ngành. Trường thực hiện sơ tuyển bằng việc xét tuyển dựa trên tổng điểm trung bình của 3 môn học tương ứng với từng khối thi trong 5 học kỳ THPT đối với thí sinh tốt nghiệp năm nay và 6 học kỳ đối với các em tốt nghiệp những năm trước.

Việc xét tuyển lấy từ cao xuống thấp, cho đến khi đủ 13.000 chỉ tiêu sơ tuyển (12.000 chỉ tiêu khối A và A1, 1.000 chỉ tiêu khối D1). TS đăng ký tham gia sơ tuyển trên trang web của trường. Đối với thí sinh vùng sâu, vùng xa không có internet, nhà trường sẽ có hướng dẫn cụ thể để các em gửi hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện. Từ 24/2 - 15/3 là thời hạn nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển, ngày 17/3 công bố kết quả. Thí sinh đạt yêu cầu sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi và nộp lệ phí tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT để tham dự kỳ thi "ba chung". "Với cách sơ tuyển này sẽ giảm được lượng thí sinh ảo và loại bớt những em có học lực quá kém; mà trường cũng tiết kiệm được chi phí tổ chức thi, chọn được những thí sinh có nhu cầu thực. Mô hình sơ tuyển trước và thi sau sẽ được nhà trường thực hiện cho đến khi trường tổ chức thi riêng" - ông Hoàng Minh Sơn cho hay.

 
Các thí sinh làm bài thi tại hội đồng thi trường Đại học Ngoại thương năm 2013.  	Ảnh:  Viết Thành
Các thí sinh làm bài thi tại hội đồng thi trường Đại học Ngoại thương năm 2013. Ảnh: Viết Thành

Cũng như năm trước, mùa tuyển sinh này, việc sơ tuyển sẽ được lồng ghép trong nội dung thi năng khiếu của CĐ Sư phạm T.Ư. TS Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng nhà trường phân tích: "Những em bị dị tật bẩm sinh, hạn chế về mặt ngôn ngữ thì bị trừ điểm trong thang điểm thi năng khiếu, thậm chí bị điểm liệt. Chúng tôi làm vậy là để loại những thí sinh không đáp ứng được yêu cầu của giáo dục mầm non". Năm nay, CĐ Sư phạm T.Ư dự kiến tuyển 1.600 chỉ tiêu (tăng 100 chỉ tiêu so với năm trước) do nhu cầu nguồn nhân lực ngành giáo dục mầm non. Đối với hệ trung cấp, trường giảm hơn 10% chỉ tiêu, còn khoảng 4.000 chỉ tiêu.

Tăng chỉ tiêu tài chính, kế toán

Theo định hướng của Bộ GD&ĐT, năm nay, một số trường đào tạo nhóm ngành kinh tế giảm chỉ tiêu bởi đang dư thừa nguồn nhân lực. Tuy nhiên, do nguyện vọng của thí sinh và do thế mạnh đào tạo, nên vẫn có trường quyết định tăng chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh. TS Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, trong tổng chỉ tiêu nói chung các hệ của trường không tăng, nhưng cơ cấu có chút điều chỉnh là chú trọng chỉ tiêu bậc cao và giảm bậc thấp. Chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo hệ ĐH là 2.600, tăng 300 so với năm 2013. Ngành Kế toán tăng thêm 200 chỉ tiêu, Tài chính - Ngân hàng tăng 100 chỉ tiêu, những ngành khác thì duy trì chỉ tiêu ở mức độ đào tạo. Năm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng dự kiến tăng chỉ tiêu hệ chính quy ĐH lên 10% thành 3.000 và giảm tuyển sinh hệ CĐ, liên thông. PGS Lê Hữu Lập - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường tăng 300 chỉ tiêu cho 3 ngành (An toàn thông tin, Đa phương tiện, Marketing). Nguyên nhân tăng ngành Marketing là bởi đây là ngành mới được đưa vào đào tạo từ năm 2013".

Đến thời điểm này, trường có chỉ tiêu tăng nhiều nhất là ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với 1.000 chỉ tiêu, nâng tổng số tuyển sinh ĐH chính quy thành 7.000. PGS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường tăng 500 chỉ tiêu cho ngành Quản trị kinh doanh thành 2.000. Các em vẫn thích ngành đó, nhất là năm 2014 nền kinh tế bắt đầu phục hồi, năm 2015 phát triển các doanh nghiệp sẽ lại cần nhân lực nhóm ngành này. Kèm theo đó là số cán bộ nghỉ hưu nên trường đào tạo đón đầu cũng được".           

Mặc dù đăng ký chỉ tiêu là vậy, nhưng thực tế các trường ngoài công lập vẫn khó hy vọng tuyển sinh được theo dự kiến, lại càng khó hơn để có thể quyết định được chỉ tiêu cho từng ngành theo định hướng của Bộ GD&ĐT.