Nhiều vấn đề bức thiết được đặt trên bàn nghị sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/3, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) tiếp tục các phiên nghị sự, với nhiều vấn đề bức thiết được đại biểu các đoàn tham gia thảo luận.

Đề nghị “chống khủng bố trên tất cả các mặt trận”

Tại phiên họp toàn thể, Đại hội đồng đã thảo luận về chủ đề khẩn cấp, đang được thế giới quan tâm là đối phó với nhóm khủng bố Bokoharam.

"Chống khủng bố trên tất cả các mặt trận" là đề xuất của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận. Thời gian qua, các tổ chức khủng bố sử dụng bạo lực rất tàn bạo và gây tội ác với dân thường, thậm chí bắt cóc, đòi tiền chuộc và sử dụng internet để thu hút tuyển dụng người trên thế giới vào mạng lưới của họ. Trong một thời gian ngắn đã có hơn 20 người bị hành hình theo hình thức cắt cổ. Tháng 1 năm nay có 2 trẻ em nữ 10 tuổi trở thành nạn nhân thông qua cảm tử của tổ chức Pokoharam. Chính vì thế, các nghị sĩ khẳng định: Cần chống lại mọi loại hình khủng bố; cần có những hành động cụ thể khuyến khích Quốc hội và Chính phủ lên án các tổ chức, cá nhân giúp đỡ Pokoharam theo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Phiên thảo luận chung. 	Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Phiên thảo luận chung. Ảnh: TTXVN
Nghị sĩ đến từ quốc gia Tchard ở châu Phi đưa ra vấn đề nhóm khủng bố Pokoharam tại châu Phi để nói lên vấn đề khủng bố. Hiện, 5 quốc gia châu Phi đã tham gia rất tích cực chống lại tổ chức khủng bố Pokoharam. Liên hợp quốc đã có nỗ lực lớn, cũng như liên minh châu Phi cũng có sáng kiến để chống lại. Đã đến lúc chúng ta có ý thức lên án chống lại nạn khủng bố thảm sát hàng loạt phụ nữ và trẻ em. "Do đó, khủng bố Pokoharam phải bị tấn công trên tất cả các mặt trận để bảo vệ người dân. Tôi muốn gióng lên một hồi chuông cảnh báo để chống lại nạn khủng bố, vì thế các quốc gia cần liên kết lại với nhau để chống lại sự hung bạo này" - Nghị sĩ nhấn mạnh.

 Ông Richard Msowoya (đoàn Malawi) cho rằng, các nước ở châu Phi đang bị cô lập trong chống lại khủng bố. Những nước không có điều kiện chống lại khủng bố, trẻ em không được đến trường và đề xuất 4 biện pháp để chống lại khủng bố. Thứ nhất, cần phải nỗ lực trao đổi để đi đến giải pháp cụ thể ngay tại diễn đàn IPU này. Thứ hai, các nước cần hợp tác với nhau để chống lại khủng bố. Thứ ba, cần hợp tác để ngăn chặn nguồn tiền tài trợ cho khủng bố. Thứ tư, cần đưa ra điều luật để chống lại khủng bố.

Đại diện đoàn Vương quốc Bỉ cũng nêu ý kiến: Bất kể tổ chức nào đã giúp đỡ tài chính cho các tội phạm chống lại loài người hay những tổ chức có những hành động như vậy cần phải đưa ra tòa án tội phạm quốc tế. Đồng thời cần có chiến lược để cản trở các hình thức quảng cáo hay cung cấp thông tin của các tổ chức này. 
Sáng 30/3, Thứ tưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cùng một số thành viên trong Tiểu ban y tế phục vụ IPU 132 đã tham gia hội chẩn và thăm bệnh nhân là đại biểu thuộc đoàn Quốc hội Bangladesh được cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Hữu Nghị. Tại các điểm kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đề nghị các tổ cấp cứu, các cán bộ y tế phải thực hiện nghiêm công tác thường trực cấp cứu; phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban y tế khi có các trường hợp cấp cứu và gửi báo cáo hàng ngày về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế. Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tính đến 14 giờ ngày 30/3, Tiểu ban y tế đã khám, cấp thuốc và điều trị cho 18 trường hợp và chuyển viện 2 trường hợp người là đại biểu và cán bộ phục vụ Đại hội IPU 132. (Hoàng Trâm)

Nhấn mạnh việc "Trước đây chúng ta đã có một nhà lãnh đạo vĩ đại trên thế giới để chống lại khủng bố, người luôn hướng đến hạnh phúc của mọi người đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam", ông Kwwasi Mutema (đoàn Trinidad and Tobago) đề xuất: Chúng ta cần duy trì bền vững cuộc chiến chống khủng bố. Nhóm khủng bố Nhà nước hồi giáo IS đang là 1 tổ chức khủng bố nguy hiểm hàng đầu thế giới, huy động nhiều thanh niên ở nhiều nước tham gia. "Tại sao họ có thể tuyển được hàng triệu thanh niên từ các nước ở ngay châu Âu, rồi châu Á, châu Phi. Do vậy, các nước cần xem xét lại chính sách của nước mình như thế nào? Từ đó, cần tuyên truyền cho giới trẻ, nếu không giới trẻ sẽ bị lôi cuốn theo. Có những thanh niên đã đi hành ngàn cây số chỉ để gia nhập tổ chức hồi giáo IS" - ông Kwwasi Mutema lưu ý.

Một số ý kiến khác cho rằng, Quốc hội cần đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua Luật Chống khủng bố, Luật Thu thập thông tin chống khủng bố. Chủ tịch Hạ viện Australia - bà Bronwyn Bishop cho rằng: Để đối phó hiệu quả với Pokoharam cần tiến hành nhiều biện pháp như ngăn chặn ủng hộ tài chính cho tổ chức này, đưa các cá nhân hay tổ chức ủng hộ Pokoharam ra Tòa án quốc tế, đồng thời ngăn chặn việc cung cấp thông tin cho tổ chức này. Thế giới sẽ không chấp nhận những hành vi và những chiến thuật của các kẻ khủng bố hiện nay đang sử dụng. Chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau thể hiện cam kết.

Thông qua Dự thảo Nghị quyết về quyền quốc gia và quyền con người

Trong khuôn khổ IPU 132, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền đã họp hoàn chỉnh và thông qua Dự thảo Nghị quyết "Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người". Dự thảo Nghị quyết này đã được soạn thảo từ Đại hội đồng IPU 131. Tuy nhiên, qua thảo luận, còn có nhiều ý kiến khác nhau nên chưa thông qua được. Dự thảo Nghị quyết lần này được sửa đổi, bổ sung những điểm quan trọng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các quốc gia tại Đại hội đồng IPU 131.

Dự thảo có 23 điểm cơ bản, đề cập 3 nội dung quan trọng đến đời sống quốc tế hiện nay là: Luật pháp quốc tế, Chủ quyền quốc gia và Quyền con người. Trong đó nhấn mạnh, các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế và xem luật pháp quốc tế là một công cụ để điều chỉnh và xử lý các xung đột; nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế tương thích với chủ quyền quốc gia và các quốc gia khẳng định quyền tự quyết và chống lại sự can thiệp của nước ngoài. Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, bên cạnh việc tôn trọng đề cao luật pháp quốc tế, thì các quốc gia cũng không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên khác và phải tôn trọng chủ quyền quốc gia thành viên.

Đặc biệt, Dự thảo Nghị quyết lần này khẳng định quyền con người và xem quyền con người phải là yếu tố căn bản của cuộc sống ngày nay. Luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn luôn lấy quyền con người làm trung tâm. Trong đó nhấn mạnh quyền phụ nữ, quyền những người tị nạn và quyền trẻ em. Đó là những vấn đề cơ bản các nước quan tâm khi xử lý những vấn đề toàn cầu có liên quan tới con người.

Đại diện đoàn Việt Nam tham dự phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho biết: Đây là nghị quyết quan trọng thể hiện mối quan hệ giữa luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong quá trình thảo luận tại kỳ Đại hội đồng lần trước. Việt Nam đề cao luật pháp quốc tế và cho rằng, luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc trong quan hệ quốc tế, đồng thời luật pháp quốc tế cũng phải tương quan, tương thích trong chủ quyền quốc gia; không thể không tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người. Bởi vậy, Việt Nam hoan nghênh Liên minh Nghị viện Thế giới thông qua nghị quyết quan trọng này và hy vọng sau khi được thông qua, nghị quyết về chủ quyền quốc gia và quyền con người sẽ được các nước chú trọng thực hiện một cách nghiêm túc và tuân thủ một cách nhất quán.

Kêu gọi xây dựng thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và các bé gái

Trưa 30/3, trong khuôn khổ IPU 132 đã diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế hội nghị sĩ nữ IPU và 20 năm thực hiện Tuyên bố và cương lĩnh hành động Bắc Kinh . Đây là những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước phát triển của phong trào phụ nữ và hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới.

Tham dự lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, hiện là một trong các nước châu Á có nhiều nữ đại biểu Quốc hội nhất và có số nữ giám đốc điều hành đứng thứ hai ASEAN. Song, chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong công cuộc thúc đẩy và bảo đảm bình đẳng giới trên toàn cầu. Phó Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay, tăng cường nỗ lực nhằm đạt được những mục tiêu đã đặt ra, đồng thời bày tỏ hy vọng những nữ nghị sĩ, những người tham gia trực tiếp vào công tác lập pháp và giám sát thực thi pháp luật, sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Với tư cách là Chủ tịch Hội nghị nữ nghị sĩ IPU lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã điểm lại quá trình 30 năm hình thành và phát triển của Hội nghị nữ nghị sĩ với những thành tựu to lớn đã đạt được. Phó Chủ tịch cho biết, thời gian tới, Hội nghị nữ nghị sĩ cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm để đóng góp nhiều hơn vào thành công trong mục tiêu chung của IPU, cũng như góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quá trình tiến tới bình đẳng giới thực chất.
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai:
Đại biểu dự IPU khen Hà Nội là điểm đến ấn tượng

Trao đổi với báo chí bên lề chương trình nghị sự IPU 132, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: Đến thời điểm này cơ bản Ban lãnh đạo IPU cũng như các nghị viện, nghị sĩ tham dự sự kiện này đều đánh giá rất cao Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Bà Trương Thị Mai khẳng định: Chúng ta rất khó để có cơ hội có được nhiều cuộc gặp song phương, đa phương như thế này, đây là một cơ hội không thể tốt hơn để nâng cao hình ảnh vị thế của Việt Nam, nâng cao quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, cũng là cơ hội để thông tin về Việt Nam với các nước trên thế giới. Đến thời điểm này, các đại biểu đến dự IPU tại Việt Nam đều ca ngợi khâu tổ chức của Việt Nam, ca ngợi sự thân thiện, đón tiếp thịnh tình chu đáo của Việt Nam. Họ cũng đều khen Việt Nam đẹp, khen Hà Nội là điểm đến ấn tượng. Điều may mắn nữa cho nước chủ nhà chúng ta là thời tiết mấy ngày nay cũng rất thuận lợi, tất cả đã tạo cho khách quốc tế sự hài lòng. "Đến thời điểm này tôi có thể đánh giá khâu tổ chức của ta đã cơ bản thành công" - bà Mai khẳng định.
Chia sẻ về những kỳ vọng sau chương trình nghị sự chính xuyên suốt IPU 132 là vấn đề mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015, bà Trương Thị Mai cho rằng: "Tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng, chúng ta đã có bài phát biểu nêu rõ Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, dù kinh tế chưa thật sự mạnh, nhưng luôn đứng đầu khu vực trong thực hiện các mục tiêu này. Dù vậy, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015 còn rất nhiều thách thức, rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng hơn. IPU 132 sẽ là cơ hội để chúng ta lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các nghị viện quốc tế để học hỏi, áp dụng phù hợp vào xây dựng chính sách cũng như thực tiễn triển khai tại nước ta, nhất là các mục tiêu thiên niên kỷ mà chúng ta đang gặp nhiều khó khăn để hoàn thành. Hơn nữa, diễn đàn cũng là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện các mục tiêu này".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần