Nhìn lại 30 năm đổi mới: Cơ sở cho những quyết sách căn bản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, năm diễn ra Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đánh dấu cột mốc công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo vừa tròn 30 năm, với 6 nhiệm kỳ.

Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII cũng có một mục nhìn lại 30 năm đổi mới. Đây cũng là một nội dung nhận được nhiều quan tâm và đồng tình trong quá trình đóng góp ý kiến cho Dự thảo các Văn kiện của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. (Ảnh tư liệu)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. (Ảnh tư liệu)
Đại hội VI của Đảng cách đây 30 năm được đánh giá là một dấu son trong lịch sử biên niên của Đảng, mở đầu cho công cuộc đổi mới, với những đột phá mới cả về tư duy, chính sách và cơ chế quản lý. Theo nhiều nhà nghiên cứu, nhờ có tư tưởng đổi mới của Đại hội VI và các Đại hội tiếp theo, Đảng có hai lần ra Cương lĩnh: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 (Đại hội VII thông qua, gọi tắt là Cương lĩnh 1991); sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, Đại hội XI đã tổng kết lại 1/5 thế kỷ thực hiện Cương lĩnh đó và đưa ra Cương lĩnh mới bổ sung và phát triển. Đến nay, đã hoàn thiện về cơ bản hệ thống lý luận của Đảng về CNXH ở Việt Nam và con đường đi lên CNXH đó. Theo GS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư, nhờ nỗ lực đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trong 30 năm qua mà chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu còn có thể to lớn hơn nữa, đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững hơn nữa nếu chúng ta nhận thức đầy đủ, thấu đáo và giải quyết tốt hơn cả về lý luận lẫn thực tiễn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, theo đúng yêu cầu đổi mới đồng bộ, phù hợp hai lĩnh vực trọng yếu này của đời sống xã hội. Đây cũng chính là yêu cầu quan trọng và đòi hỏi bức thiết hiện nay đang đặt ra đối với Đảng và Nhân dân ta.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử, PGS.TS Phạm Xanh (ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tầm vóc và ý nghĩa cách mạng của 30 năm đổi mới mà Đảng khởi xướng, đã tạo ra 3 điểm nhấn quan trọng: Thứ nhất, đổi mới đã đưa đất nước thoát khỏi một nước nghèo, đưa đất nước trở thành đất nước phát triển trung bình, có thu nhập trung bình; thứ hai là đã tạo ra một điểm sáng tô đậm dòng chữ Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới; thứ ba đó là chúng ta bảo vệ được Tổ quốc XHCN, bảo vệ được chủ quyền đất nước. Những thành tựu đó, với sự nỗ lực của toàn dân, với sự dẫn dắt của Đảng, chúng ta đã đạt được trong 30 năm đổi mới.

Tính riêng trong lĩnh vực kinh tế, sau giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990) với mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, nền kinh tế Việt Nam đã có kết quả tăng trưởng rất ấn tượng. Giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đó. Giai đoạn 2006 - 2010, do suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm. Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2015, dù chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008) và khủng hoảng nợ công (năm 2010), tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu to lớn, mang tầm vóc lịch sử, các ý kiến cũng cho rằng, vẫn còn nhiều mặt yếu cần thẳng thắn nhìn nhận. Như về tăng trưởng về kinh tế, cải thiện đời sống dân cư, áp lực của sự phát triển và nền kinh tế chúng ta cũng chưa hẳn là nền kinh tế thị trường hiện đại, chưa dựa trên sự tăng trưởng bằng khoa học công nghệ, bằng chất xám mà dựa trên khai thác tài nguyên, nó vẫn là nền kinh tế gia công, yếu tố lệ thuộc vào nước ngoài còn rất nặng. Trong quản lý cũng chưa đồng bộ nên để tình trạng phát triển kinh tế - xã hội theo từng vùng miền, phân tán và không thành một chỉnh thể. Tham nhũng vẫn là quốc nạn, chưa có những biến chuyển tương xứng như ta mong muốn… Cũng theo PGS.TS Phạm Xanh, trong lĩnh vực GD&ĐT và KHCN, Đảng đã có nghị quyết, và thực tế cũng có những bước tiến bước đầu rất khả quan, nhưng “điểm nghẽn” về chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa giải quyết được.

Góp ý cho vấn đề này, nhiều chuyên gia hy vọng từ việc nhìn thẳng vào những hạn chế và bài học kinh nghiệm đã được rút ra sau 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng sẽ đưa những quyết sách căn bản để tạo ra sự phát triển thực chất của đất nước trong thời kỳ mới.