Nhìn lại SEA Games 2017: Trọng chất lượng hơn thứ hạng

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoàn thể thao Việt Nam đã mang đến SEA Games 2017 với một lực lượng hùng hậu hơn 750 thành viên. Mục tiêu hướng đến là vị trí thứ 3 chung cuộc với số lượng HCV cần giành được từ 45 - 60.

Thế nhưng, sau Đại hội, giới chuyên môn cho rằng Đoàn thể thao Việt Nam đã thực sự thành công với sự chuyển biến về chất lượng những tấm HCV giành được.
Mỏ vàng vẫn ra vàng thỏi

Từ những năm 1990, thể thao Việt Nam bắt đầu hội nhập mạnh mẽ vào đấu trường SEA Games với tư cách là một trong những ứng viên cho vị trí nhất toàn đoàn. Để có được điều này, ngành thể thao đã thực hiện chiến lược “đi tắt đón đầu”. Đây là chiến lược rất phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và tố chất con người Việt Nam. Nó giúp thể thao Việt Nam nhanh chóng có được huy chương và chen chân vào top đầu SEA Games. Điều này sẽ giúp ngành thể thao có thêm động lực, điều kiện và cả sự ủng hộ để hướng đến những mục tiêu lâu dài.
 Vận động viên Dương Thúy Vy giành 2 HCV môn Wushu.
Kể từ khi có chiến lược “đi tắt đón đầu”, với trái tim là thể thao Hà Nội, một loạt môn thể thao truyền thống, nổi bật là võ đã nhanh chóng được du nhập và phát triển ở Việt Nam như Pencak silat, Wushu, Karate, Taekwondo, Judo... Trong suốt một thời gian dài, đây chính là mỏ vàng của thể thao Việt Nam. Thành công của các môn võ đem lại vị trí vững chắc cho đoàn chúng ta ở đấu trường SEA Games. Thậm chí, các môn võ của Việt Nam luôn ở nhóm đầu khu vực. Cá biệt, Pencak silat nhiều lần còn qua mặt Indonesia - quê hương của môn thể thao này để trở thành số 1 tại SEA Games.

Tại SEA Games 29, dù ngành thể thao đã thay đổi chiến lược đầu tư nhưng các môn võ vẫn là những mỏ vàng. Các môn võ đã mang về cho Đoàn thể thao Việt Nam 14 HCV tại kỳ SEA Games này. Đây thực sự là một thành tích rất đáng ghi nhận trong bối cảnh nội dung thi đấu bị cắt giảm, hoặc không được tổ chức thi đấu. Đó là chưa kể đến sự thiếu công tâm của các trọng tài nhiều lần tước đi của các vận động viên (VĐV) Việt Nam tấm HCV. Trong số các VĐV xuất sắc nhất của các môn võ, nổi bật nhất phải kể đến cô gái Hà Nội Dương Thúy Vy khi một mình giành 2 HCV ở môn Wushu, và cũng chính là người tạo cảm hứng cho các đồng đội khi giành tấm HCV đầu tiên ở SEA Games lần này.

Mở toang cánh cửa Olympic

SEA Games 2017 tiếp tục ghi nhận sự thăng hoa của các môn thể thao Olympic. Sự chuyển hướng từ “đi tắt đón đầu” sang đầu tư những môn thể thao cơ bản đã mang đến cho thể thao Việt Nam những thay đổi quan trọng trong cơ cấu huy chương. Đến giờ, các môn thể thao Olympic chiếm một lượng lớn trong cơ cấu huy chương mà chúng ta giành được. Cá biệt, có những môn thể thao Việt Nam đã đứng đầu SEA Games, vượt qua đối thủ nặng ký nhất Thái Lan. Đó là trường hợp của điền kinh Việt Nam với tổng cộng 17 tấm HCV. Trong khi Thái Lan chỉ giành được 9 tấm HCV, và đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vượt đối thủ nặng ký nhất.

Bơi lội cũng chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực. Ngoài Ánh Viên, bơi lội Việt Nam đã có thêm Huy Hoàng, Kim Sơn trẻ trung, tài năng và một Quang Nhật vẫn duy trì được phong độ. Với 10 tấm HCV, 4 kỷ lục SEA Games, bơi lội Việt Nam giờ chỉ kém Singapore, đối thủ hàng đầu khu vực, thậm chí đã đạt đến trình độ châu lục và thế giới với nhiều VĐV gốc Hoa. Quan trọng nhất, với bộ ba Ánh Viên, Huy Hoàng, Kim Sơn vốn còn rất trẻ, bơi lội Việt Nam hoàn toàn có thể hoàn thành định hướng là vươn tới đấu trường châu lục nếu có sự đầu tư tốt.

Bên cạnh bơi lội, điền kinh, thể thao Việt Nam còn ghi nhận thành công từ thể dục dụng cụ với 4 tấm HCV, xe đạp - 2 HCV, và đặc biệt là lần đầu tiên sau hơn 20 năm, bóng bàn lại giành vàng SEA Games ở nội dung đồng đội nam. Đáng nói hơn, các tay vợt Việt Nam đã vượt qua được đối thủ nặng ký nhất Singapore một cách “tâm phục, khẩu phục”. Và với những chuyển biến tích cực về cơ cấu huy chương, thể thao Việt Nam đã có một kỳ đại hội thành công. Nó mang đến niềm tin và cơ sở để các nhà hoạch định chính sách hướng đến những đấu trường lớn hơn là Asiad và Olympic.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần