Nhìn lại tuần đầu chính thức vận hành xe buýt nhanh BRT

Bài, ảnh: Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê của Xí nghiệp buýt nhanh BRT cho thấy, tính đến hết ngày 6/1, lượng hành khách đi lại trên tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã đạt con số trên 65.000 lượt.

Mới chính thức đi vào vận hành được 1 tuần lễ nhưng lượng hành khách sử dụng liên tục tăng đã cho thấy sức hút của xe buýt BRT. Sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, với chủ yếu là hành khách đi để tìm hiểu, từ ngày 3/1, hầu hết lượng khách mà xe buýt BRT phục vụ đều là công chức, cán bộ, công nhân viên đi làm hoặc thanh thiếu niên đi học.

Tính đến ngày mùng 5 và 6/1, lượng khách của xe být BRT đã đạt xấp xỉ 12.000 lượt/ngày. Tần suất vận hành của tuyến buýt BRT 01 cũng rất ổn định, đạt 358 lượt/ngày. Tỷ lệ xuất bến đúng giờ đạt 99,7%; sản lượng hành khách bình quân 32 khách/lượt; trung bình, 1 nhà chờ đón hơn 480 khách mỗi ngày.
 
Với ưu thế có đường dành riêng, xe thiết kế hiện đại, an toàn hơn, chất lượng dịch vụ cao hơn nên buýt nhanh BRT Hà Nội ngày càng nhận được sự ủng hộ của người dân trên địa bàn Thủ đô.

Ông Nguyễn Văn Hưng (Hà Đông) cho biết: “Lúc đầu nghe nói không hiểu xe buýt BRT có gì đặc biệt. Đến khi đi thử mới thấy đây đúng là loại hình xe buýt cực kỳ văn minh, hiện đại. Tôi sẽ sử dụng xe buýt BRT làm phương tiện chính để đi làm, vừa đỡ mệt vừa đỡ tốn thời gian”.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng từ phía người sử dụng thì xe buýt BRT lại đang tiếp tục phải đối diện với áp lực lưu thông, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Trên trục Tố Hữu - Lê Văn Lương- Láng Hạ, do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc, nên buýt nhanh vẫn thường xuyên bị bao vây trong “ma trận” các loại phương tiện cá nhân.

Một lái xe trên tuyến buýt nhanh BRT chia sẻ: “Nhìn chung ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông vẫn chưa cao. Họ sẵn sàng lấn đường, tạt sang đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Vào giờ cao điểm lái xe buýt nhanh thường xuyên phải kéo còi từng loạt dài để giành lại đường. Cá biệt, có những phương tiện cố tình chây ỳ, dù còi xe sát sạt cũng vẫn như không”.

Giám đốc XN buýt nhanh BRT Nguyễn Thủy cho rằng: “Cần tăng cường tuyên truyền với đa dạng các hình thức để người dân có ý thức cao hơn nữa trong việc chấp hành đi đúng làn đường quy định, không lấn làn của buýt nhanh BRT, tiến tới phải xử phạt nghiêm đối tượng vi phạm”.

Một vấn đề khác mà nhiều người dân thắc mắc là, dường như hành động của lực lượng điều tiết giao thông dọc tuyến BRT còn thiếu quyết liệt và chưa hiệu quả. Anh Trần Xuân Tùng (Ba Đình) đặt câu hỏi: “Xe buýt BRT lưu thông trên làn đường giữa, nhưng tôi thắc mắc, không biết tại sao CSGT, Thanh tra GTVT thường đứng cả ở mép đường, vỉa hè? Nhiều khi nhìn xe buýt BRT vật lộn trong đám đông còn các đồng chí CSGT thì cứ như không để tâm vậy”.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin: “Hiện lực lượng chức năng mới đang nhắc nhở, hướng dẫn kết hợp tuyên truyền cho người tham gia giao thông. Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2017 mới tiến hành xử phạt các trường hợp lấn làn của xe buýt BRT”.

Chủ trương này là đúng đắn và phù hợp, thế nhưng việc thực hiện trong thực tế lại chưa được như mong muốn. Hàng ngày, lực lượng điều tiết giao thông vẫn được trải dọc tuyến buýt BRT. Nhưng dường như tại nhiều điểm, sự hiện diện đó chỉ để cho có, vai trò điều tiết, phân làn để tối ưu hoá lối lưu thông cho xe buýt BRT của họ khá mờ nhạt.

UBND TP đã nhận được đề xuất mở tuyến buýt nhanh BRT 02 lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. TP chắc chắn sẽ có quyết định đầu tư, mở tuyến buýt nhanh số 02 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc vận hành tuyến buýt nhanh số 01 hiện nay. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần