Nhìn nhận công bằng, bình đẳng với cán bộ công chức cấp xã

Phương Đoàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 12/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức (CBCC) và Luật Viên chức.

Tại Hội nghị, các ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung vào 4 nội dung lớn: Đối tượng điều chỉnh của Luật CBCC; Chính sách đối với người có tài năng; Quy định về đánh giá CBCC, viên chức; Quy định về xử lý, kỷ luật đối với CBCC đã nghỉ hưu.
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 4, Luật CBCC đa số các ý kiến góp ý đều cho rằng đối tượng công chức cấp xã cần thiết phải được đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật. CBCC cấp cơ sở là đối tượng quan trọng, cần quan tâm đặc biệt vì đây là vị trí công việc trực tiếp thực hiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, làm việc và giao tiếp với Nhân dân, khối lượng công việc nhiều và áp lực lớn, tuy nhiên mức lương và chế độ đãi ngộ lại ít hơn so với CBCC cấp huyện và tỉnh. Bên cạnh đó, việc bổ sung CBCC cấp xã sẽ tạo cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán với công chức các cấp. Đồng thời, cần có cách nhìn khác, khách quan và bình đẳng với đối tượng này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, CBCC cấp xã được đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật không phải là “tất cả”, nên là “một số” vị trí việc làm quan trọng, trực tiếp làm việc với người dân. Đối tượng thứ 2 là công chức làm quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần thiết phải duy trì, bởi đây là đối tượng cần phải có sự ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm.
 Toàn cảnh Hội nghị
Với nội dung về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ quy định tại Điều 6 của Luật CBCC, các ý kiến đều băn khoăn về khái niệm “Người có tài năng”. Theo đó, cần có nội dung quy định rõ thế nào là người có tài năng, đề nghị cần đưa ra những nguyên tắc, tiêu chí chung nhất để xác định người có tài năng.
Đối với việc đánh giá cán bộ được quy định tại Khoản 2, Điều 29 cần công khai sau khi phân loại đánh giá, qua đó sẽ minh bạch trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, cần duy trì hình thức kỷ luật việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ được quy định tại khoản 3 của điều này cần quy định cụ thể. Do CBCC vẫn trong biên chế của đơn vị, tổ chức nen việc thuyên chuyển, thôi làm nhiệm vụ gặp nhiều bất cập.
Liên quan đến tuyển dụng công chức được quy định tại Điều 39, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn chung chung chưa quy định rõ, cần kiểm định thế nào, nên cụ thể hóa ngay trong Dự Luật lần này sẽ là phương thức quan trọng kiểm định đầu vào công chức. Bên cạch đó, có ý kiến còn băn khoăn với cụm từ “ngạch khác theo quy định của Chính phủ” cần làm rõ ngạch khác là ngách gì để việc áp dụng được cụ thể. Đồng thời, quy định về các hình thức kỷ luật đối với CBCC nên giữ lại hình thức “Giáng chức” để đảm bảo tính răn đe.
Đặc biệt, quy định về  việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của CBCC đã nghỉ việc, nghỉ hưu tại Khoản 5, Điều 84, Luật CBCC đều nhận được sự ủng hộ của các đại biểu. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu, thực tế cho thấy việc xử ký, kỷ luật đối với CBCC đã nghỉ hưu là rất quan trọng, vì vậy, cần tách điều khoản này trong Dự Luật để cụ thể, chi tiết hơn nữa.
Cũng liên quan đến việc xử lý CBCC, có ý kiến đề xuất, cần luật hoá tư cách, chức vụ của CBCC để khi thi hành xử lý, kỷ luật CBCC mới logic.
Một số ý kiến khác còn xoay quanh các quy định về Các loại hợp đồng làm việc trong Luật Viên chức, trong đó, việc quy định viên chức đã ký kết hợp đồng làm việc trước ngày 01/7/2020 sẽ được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là không phù hợp, đề nghị điều chỉnh lại để bảo đảm tính bình đẳng giữa các
Theo đại diện Hội Luật gia TP Hà Nội, cán bộ là nhân tố quan trọng, thời gian qua công tác cán bộ và pháp luật về cán bộ đang gặp vấn đề, trong quá trình thực thi công vụ có nhiều hành vi vi phạm còn ẩn mình dưới danh “làm đúng quy trình”. Chính vì vậy, phải đổi mới, minh bạch trong công tác cán bộ ở tất cả các khâu tuyển chọn, thi tuyển và sử dụng để tìm người tài.
Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Bùi Huyền Mai khẳng định, Đoàn tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của đại biểu và sẽ tổng hợp ghi nhận gửi đến Quốc hội tại kỳ họp tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần