Nhìn nhận từ thứ hạng VTCI 2019 của điểm đến du lịch Hà Nội

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo về Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) năm 2019 thí điểm tại 5 địa phương, Hà Nội có tổng điểm thấp nhất, sau các điểm đến gồm: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh.

Tổng điểm các chỉ số: Quảng Nam - 4,62; TT Huế - 4,56; Quảng Ninh - 4,44; TP Hồ Chí Minh - 4,05; Hà Nội - 3,78. 
Đánh giá mang tính tham khảo
Các chỉ số được trình bày trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam hôm 9/12, bởi Chuyên gia nghiên cứu Kai Partale, thuộc dự án do Liên minh EU tài trợ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, giúp các địa phương nhận ra điểm mạnh - yếu để đưa ra các giải pháp thu hút lượng khách đến, gia tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.
VTCI là kết quả báo cáo nghiên cứu đặc biệt của nhóm chuyên gia cao cấp từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dành riêng cho du lịch và lữ hành Việt Nam, trong đó kết quả thí điểm tại 5 điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam được đánh giá qua 12 trụ cột, chia thành 69 chỉ số để tính toán dựa trên dữ liệu thu được từ kết quả điều tra và nguồn dữ liệu định lượng: Thống kê của các cơ quan, hiệp hội; Dữ liệu đặt chỗ, tìm kiếm trên internet; Khảo sát ý kiến các cấp lãnh đạo, DN…
Theo đó, du lịch Hà Nội thể hiện sự vượt trội về tài nguyên văn hóa và hạ tầng dịch vụ, trong khi cho thấy nhiều hạn chế so với 4 địa phương còn lại về tài nguyên tự nhiên, môi trường kinh doanh, nguồn lực lao động, độ ưu tiên trong lĩnh vực du lịch, tính bền vững của môi trường, mức độ sẵn sàng về CNTT và khả năng cạnh tranh về giá.
Đối chiếu với Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của WEF, có thể thấy Thủ đô đã sở hữu những thế mạnh nhất định về nguồn tài nguyên và hạ tầng phục vụ du lịch và lữ hành, tuy nhiên còn tồn tại nhiều khó khăn trong chính sách và môi trường thuận lợi để phát triển lĩnh vực được kỳ vọng sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Một trong hai vấn đề của du lịch Hà Nội mà ông Kai nhấn mạnh là việc bảo đảm tính bền vững của môi trường đối với du lịch, khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến thế mạnh tài nguyên di sản, di tích văn hóa và lịch sử của địa phương. Quảng Nam, điểm đến xếp hạng cao nhất trên tổng chỉ số VTCI, cũng đang gặp phải tình trạng tương tự.
'Chúng tôi đánh giá trung lập dựa trên tiềm năng khác nhau của mỗi điểm đến… Khoảng cách giữa các con số mang đến sự cải thiện và phát huy để làm tốt hơn nữa trong tương lai' - Chuyên gia Kai Partale nói về VTCI 2019.
Bên cạnh đó, để cải thiện sức cạnh tranh, ngành du lịch Thủ đô được cho cần chú trọng nâng cao sự hài lòng của du khách về mặt giá cả đối với các sản phẩm, dịch vụ mà họ tiêu dùng - nôm na là cảm nhận “đáng đồng tiền bát gạo”.
Tuy nhiên ông Kai lưu ý, giá thành dịch vụ thấp không phải luôn đồng nghĩa với sức cạnh tranh cao về giá. Việc định giá ra sao sẽ tùy thuộc vào chiến lược của mỗi địa phương, trong khi các chỉ số và ý kiến thảo luận lúc này chủ yếu mang tính tham khảo cho hoạch định chính sách trong tương lai.
Tập trung tối đa vào văn hóa, di sản
Nhận định với báo KT&ĐT về kết quả VTCI 2019 của điểm đến Hà Nội, TS Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đồng tình với thực tế “thua thiệt” trong tài nguyên thiên nhiên của Thủ đô so với các địa phương như Quảng Ninh, Quảng Nam...
TS Lương Hoài Nam tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần 2 - 2019.
Từ đó, ông đề xuất đẩy mạnh phát huy lĩnh vực du lịch văn hóa, di sản của Thủ đô để tạo sức cạnh tranh, thông qua các giải pháp cụ thể ứng với từng phương diện. Chẳng hạn trước mắt, Hà Nội cần chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống các bảo tàng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ nhằm tăng tính trải nghiệm để hấp dẫn du khách.
Lấy ví dụ về việc áp dụng mô hình du lịch đường thủy đã thành công tại nhiều nơi đối với du lịch sông Hồng, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh yếu tố tiên quyết là việc kết hợp các điểm đến giàu giá trị văn hóa, di sản mà con sông chảy qua, trong khi đặc thù phương tiện chỉ mang tính bổ trợ thêm. Sâu xa, điều này chính là việc áp dụng thông minh, khai thác có chọn lọc nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch.
Đánh giá thêm về khả năng phát triển lọai hình du lịch MICE - du lịch hội thảo, sự kiện của TP “đầu não” sau thành công hồi đầu năm nay với Thượng đỉnh Mỹ - Triều, chuyên gia Lương Hoài Nam chỉ ra một trở ngại lớn với Việt Nam nói chung là vấn đề thị thực. Một khi chính sách xin visa chưa mang đến sự thuận lợi trong thông hành quốc tế, Hà Nội hay bất cứ địa phương nào của Việt Nam cũng khó có thể cạnh tranh với các thi trường mở cửa thị thực trong khu vực như Thái Lan, Singapore...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần