Nhìn thẳng vào sự thật

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, yếu kém, bất cập đã được công khai trên báo chí theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không che giấu khuyết điểm, không có vùng cấm.

Những động thái đó cũng thể hiện dân chủ trong xã hội ngày càng được đề cao, làm Nhân dân phấn khởi, cái ác phải chùn tay, xã hội ngày càng lành mạnh, cả thiên nhiên và đời sống con người. 

Trong bối cảnh ấy, Nhân dân có quyền đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn với chính quyền với mục đích là để cuộc sống ngày một tốt hơn. Một trong những vấn đề đó là ô nhiễm môi trường sống còn được đề cập ít quá, qua quít, thấp hơn nhiều so với thực tế.

Môi trường sống là những vấn đề thiên nhiên liên quan đến từng con người. Mới đây, các báo đồng loạt lên tiếng về loa phường, nhưng đấy mới là xét về nội dung thông tin chứ không bàn đến tiếng ồn; nói về cải tạo hồ, tháo dỡ nhà nổi ở Hồ Tây, nhưng chưa phải là bảo vệ nguồn nước dưới góc độ môi trường. Môi trường là nước sạch dùng trong đời sống và nước thải cần xử lý, lưu thoát; rác thải độc hại; không khí bụi bặm và nhiều chất độc; tiếng ồn trong TP; thực phẩm không an toàn… và nếu nói từ khía cạnh đó, Hà Nội của chúng ta thuộc loại ô nhiễm có thứ hạng ở khu vực. Ô nhiễm không chỉ đe dọa sức khỏe con người (tỷ lệ tăng nhanh trong những năm gần đây về y tế, bệnh viện, bệnh tật nan y) mà còn ảnh hưởng sát sườn đến du lịch, đầu tư nước ngoài, quan hệ ngoại giao…

Vừa qua, tại Diễn đàn DN Việt Nam 2016 (Vietnam Business Forum 2016), nhiều DN đã công bố sẽ rút vốn đầu tư khỏi Việt Nam vì môi trường sống không còn bảo đảm do ô nhiễm không khí và môi trường nghiêm trọng. Tại Diễn đàn, ông Kenneth Atkison – Chủ tịch hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, các chỉ số ô nhiễm môi trường ở Việt Nam tăng cao khiến cho các doanh nhân không dám đưa gia đình đến Việt Nam sinh sống, ảnh hưởng đến việc đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam. Trong khi đó, ông Dominic Scriven – Trưởng nhóm thị trường vốn của Diễn đàn, Chủ tịch Công ty Dragon Capital cho biết, nhà đầu tư lớn nhất của Dragon Capital đã thông báo quyết định rút ra khỏi thị trường Việt Nam vì lý do Việt Nam thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục trong việc bảo vệ môi trường.

Gần đây, các trang tin tức và mạng xã hội cũng lên tiếng cảnh báo về một hiểm họa môi trường đang trực tiếp đe dọa cuộc sống của người dân tại Hà Nội như rác thải rắn chất đống, đường phố đầy rác bẩn, nước thải không có hướng thoát, tiếng ồn vây bọc từ nhà ra đường, suốt đêm ngày, không khí đầy bụi, nhất là ô nhiễm bụi mịn PM2,5, một dạng của ô nhiễm phân tử… Một thí dụ điển hình như vấn đề giao thông, hàng ngày đều hiện diện trên báo chí nhưng gần như không bài báo nào nói đến mặt tác hại về môi trường. Vì ít được thông tin nên người dân Hà Nội có phần lơi là với môi trường mình đang sống, có thể chưa thấy cấp thiết so với những gì bức xúc hơn và điều đó thật nguy hại. Cần thấy rằng có nhiều vấn đề được giải quyết mang về vài chục tỷ đồng tưởng là to, nhưng so với chi phí hàng nghìn tỷ đồng cho thiệt hại về môi trường như y tế, vệ sinh đường phố, cải tạo hồ, đưa các nhà máy ra ngoại thành… sẽ chẳng thấm gì.

Tình trạng cháy rừng ở Indonesia gây khói bụi cho Singapore; tình trạng khói bụi và sa mạc hóa ở Trung Quốc; lệnh cấm xe ô tô để bảo vệ môi trường ở Paris, hiện tượng các hãng xe Mỹ, Pháp, Đức đua nhau sản xuất ô tô điện, phong trào bỏ ô tô đi xe đạp ở Hà Lan… trở thành tin nóng hàng ngày trên thế giới, khiến ta xuýt xoa rùng mình. Còn Hà Nội, dường như không có gì, dường như mọi chuyện vẫn yên ả. Thực tế không phải vậy, sở dĩ Hà Nội chúng ta im ắng trên truyền thông thế giới vì chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới môi trường ở chính nơi ta đang sống đó thôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần