Nhịp cầu nối những bờ vui

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 100 năm để có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, con số ấy không nhiều nhưng hành trình đi từ cây cầu Long Biên đến cây cầu Nhật Tân mới nhất là hành trình phát triển cô đọng của một Hà Nội “Trí tuệ và Khát vọng”.

Nhắc nhở một bài học lịch sử

Tuy cùng một kiến trúc sư thiết kế (Gustave Eiffel) và xây dựng trong cùng khoảng thời gian, nhưng tháp Eiffel tại Paris (năm 1889) và cầu Long Biên tại Hà Nội (1889 - 1902) đối lập nhau hoàn toàn về mọi mặt. Tháp Eiffel là một công trình vô cùng nổi tiếng nhưng hoàn toàn không có giá trị gì về tính năng sử dụng; còn cầu Long Biên là công trình vô cùng quan trọng cho đời sống dân sinh tại Hà Nội nhưng ít người trên thế giới biết đến. Ngay cả người Hà Nội cũng còn chưa biết hết những giá trị vô cùng to lớn của cây cầu này, trong việc xây dựng một đường lối ngoại giao độc đáo cho Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ giữ nước sục sôi vừa qua.

Cầu Long Biên không chỉ là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng mà nó còn định hình cho xu hướng xây dựng các cây cầu Hà Nội sau này: Hợp tác để phát triển. Những cây cầu lớn của Hà Nội sau Long Biên với mối quan hệ Việt Nam - Pháp này lần lượt là cầu Thăng Long (Việt Nam - Liên Xô), cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì (Việt Nam - Nhật Bản), cầu Vĩnh Thịnh nối Sơn Tây với Vĩnh Phúc (Việt Nam - Hàn Quốc)… Chính nhờ những sự hợp tác hữu nghị này mà những cây cầu Hà Nội luôn có tầm vóc, giá trị vượt xa điều kiện kinh tế, kỹ thuật của Hà Nội trong từng thời điểm. Chính việc “đi trước” này đã khiến Hà Nội - Thủ đô đồng thời cũng là một trung tâm kinh tế lớn, sôi động luôn dẫn đầu cả nước.
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên
Không chỉ là bài học về sự hợp tác hữu nghị mà cầu Long Biên còn là biểu tượng để Hà Nội có cái nhìn rạch ròi về tình cảm quan hệ quốc tế. Mối căm thù với nước Pháp thực dân cũ được đặt song song với sự biết ơn, trân trọng với nước Pháp dân chủ, văn minh, tiến bộ. Không phải đến bây giờ cái nhìn rạch ròi, bản lĩnh và công bằng ấy mới được thể hiện, ngay trong lúc quan hệ Pháp - Việt ở đỉnh điểm mâu thuẫn, đối đầu tại chiến trường Điện Biên Phủ, những nhân sĩ Hà Nội đã có tầm nhìn và hành động tuyệt vời để nước Pháp văn minh, tiến bộ sát cánh bên cạnh Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến với nước Pháp thực dân, xâm lược.

Bác sĩ Trần Văn Lai làm thị trưởng Hà Nội khi chính phủ Trần Trọng Kim lên nắm quyền. Chỉ trong vòng một tháng làm thị trưởng (20/7 - 19/8/1945), ông đã kịp bỏ tên Pháp, đặt tên phố Hà Nội như ngày nay. Trong những năm tháng chống Pháp, ông không tản cư kháng chiến mà ở lại Hà Nội với nhiệm vụ vận động những trí thức tiêu biểu, thân Pháp đi theo tiếng gọi của dân tộc, chấp nhận cộng tác với chính phủ Việt Minh. Đầu năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, những nhân sĩ Hà Nội có uy tín và ảnh hưởng tới nước Pháp đã ký tên vào bản kiến nghị đòi hòa bình gửi Chính phủ Pháp. Ông Lai chính là người đầu tiên ký tên vào bản kiến nghị lịch sử đó.

Bản kiến nghị của những nhân sĩ Hà Nội được gửi và đăng tải trên 2 tờ báo lớn nhất nước Pháp lúc ấy là Le Monde và L’Humanité với tít bài “Les Notabiliter” (những nhân sĩ Hà Nội). Nhờ thế đã tạo được tiếng vang lớn trong xã hội Pháp. Hiếm người biết, bản kiến nghị này góp phần quan trọng để Quốc hội Pháp quyết định dừng chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, dẫn tới việc quân đội Pháp đầu hàng nhanh chóng khi gặp thất bại trên chiến trường Mường Thanh lúc đó. Năm 1954, ông Lai trở lại làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội.
Ảnh: Xuân Chính
Ảnh: Xuân Chính
TS Dương Lan Hải - vợ cố bác sĩ Trần Mạnh Chu, con dâu ông Trần Văn Lai cho biết: Bản kiến nghị lịch sử ấy được Luật sư Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Bộ trưởng Bộ Kinh tế Việt Nam Dân chủ cộng hòa), lúc ấy đang giữ chức Thanh tra lao động cho Chính phủ Pháp gửi đăng dưới dạng một bài báo, lời dẫn của bài báo nhiều lần nhắc đến cây cầu Long Biên với lòng biết ơn sâu sắc của Việt Nam tới một nước Pháp văn minh, tiến bộ. Có thể nói hình ảnh cây cầu Long Biên lần đầu tiên đã sáng tạo ra một phương pháp ngoại giao mềm dẻo, độc đáo “vận động trong lòng đối thủ”, phương pháp ngoại giao sáng tạo đó đã được Việt Nam áp dụng hiệu quả trong các cuộc chiến với đế quốc Mỹ sau này.

Phát huy sức mạnh “Vì dân”

Bên những cây cầu thể hiện rõ nét tầm quan trọng của sự hợp tác hữu nghị quốc tế, Hà Nội còn có những cây cầu thể hiện cao độ sức mạnh nội tại, thể hiện sự phi thường của “Trí tuệ Việt” trong thời điểm cực kỳ khó khăn. Tiêu biểu là Chương Dương - cây cầu được xây dựng với thời gian kỷ lục trong thời điểm Việt Nam và Hà Nội nằm trong hố sâu nhất của suy thoái kinh tế, những năm cuối bao cấp. Cầu Chương Dương nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài.
Cầu Nhật Tân
Cầu Nhật Tân
Những năm 80 của thế kỷ trước, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Do làn đường ô tô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra. Trong khi đó, cầu Thăng Long còn đang xây dựng dở dang và dù có xong thì nó cũng không chia sẻ được nhiều do vị trí quá xa trung tâm. Do vậy, dựng ngay một cây cầu để vào trung tâm Hà Nội là ưu tiên số một và chủ trương ban đầu là làm tạm một cầu treo. Trách nhiệm chỉ đạo xây dựng cầu treo được giao cho Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Danh Lưu.

Tuy nhiên, ông Lưu cùng lãnh đạo Bộ thuyết phục Chính phủ làm cầu sắt vĩnh cửu với tốc độ làm cầu treo. Được đồng ý, ông cho tận dụng vật liệu “đầu thừa đuôi thẹo” là một số thanh thép phục vụ thi công cầu Thăng Long và rất nhiều dầm cầu đường sắt. Để các dầm sắt này phù hợp khổ cầu đường bộ như cầu Chương Dương, ông Lưu đã phải chỉ đạo “chế sửa” lại theo cách riêng mà thế giới chưa từng làm.

Sau 1 năm 9 tháng, vào ngày 30/6/1985, cầu Chương Dương khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên.

Cầu Chương Dương đã đi vào lịch sử với sự quyết đoán và trí tuệ của ông Bùi Danh Lưu. Ông Lưu giải thích về thành tích phi thường của cầu Chương Dương đơn giản là: “Bên cạnh những lý lẽ khoa học thì đặc biệt là phải hết sức công tâm vì nước, vì dân. Bởi tiền chúng ta xây cầu là tiền của dân”.

Sau này, cây cầu rộng nhất trong số những cây cầu bắc qua sông Hồng là cầu Vĩnh Tuy cũng được xây dựng bằng sức mạnh nội tại với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước. Và có một sự trùng hợp là hai cây cầu, hai niềm tự hào của trí tuệ, sức mạnh Việt là Chương Dương và Vĩnh Tuy nằm sát nhau. Không những thế, đây cũng chính là hai cây cầu đặt tại những vị trí quan trọng nhất, có lưu lượng phương tiện đông nhất trong các cây cầu Hà Nội…

Lịch sử về những cây cầu Hà Nội cũng chính là lịch sử của Hà Nội và Việt Nam. Những bài học lịch sử, những dấu ấn phi thường trong quá khứ trải rộng dài trên 7 cây cầu vắt ngang con sông Cái sục sôi dòng nước đỏ luôn nhắc nhở Hà Nội rằng: Những bài học lịch sử, những dấu ấn phi thường không bao giờ là đủ… Những cây cầu đang và sẽ được bắc qua sông Hồng chính là điều mà thế hệ mai sau của Hà Nội nhắc đến thế hệ chúng ta đang sống.                            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần