Nhịp điệu của xuân

Nguyễn Văn Học
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giờ mỗi đêm dạo phố, tôi vẫn thường dừng bên phố quen, bởi ở đó có tiếng đàn từ một căn gác bình yên và tôi hiểu, tác giả của những giọt đàn ấy đang thổ lộ rất nhiều về lòng mình.

 Ảnh minh họa
1. Tiếng guitar trong quán cà phê quen, như nhịp điệu của xuân đưa tôi về với những hồi ức đẹp của một thời tuổi trẻ. Người chơi đàn là hai nghệ sĩ thực thụ- nghệ sĩ guitar Phạm Văn Phúc và Vũ Bảo Lâm, hai thành viên của nhóm “Thất cầm” nổi tiếng từ năm 1972, dù đã có tuổi nhưng những ngón đàn của hai ông vẫn phong độ. Tóc hai ông bồng bềnh nghệ sĩ, ánh mắt mơ màng, hai tay múa trên sáu sợi dây guitar. Mùa xuân đặc trưng của Hà Nội đang hiện diện ở đây. Những bàn nước khách rôm rả sôi động bỗng trầm khi đàn tấu lên. Khó có ngôn ngữ nào diễn tả được hết vẻ đẹp của tiếng đàn cổ điển của thành phố nghìn năm văn hiến. Tiếng guitar như thể được chắt ra từ rất nhiều hồ hởi, mê đắm. Đó là tiếng tha thiết yêu đời đã khiến hàng cây trước cửa quán lao xao. Lao xao cả ánh mắt và nụ cười cô gái có mái tóc dài đã ngồi ở đó thưởng thức cà phê trong buổi sáng bình yên từ lúc nào. Cô nghe say sưa, hình ảnh ấy phù hợp đến tuyệt vời không gian nơi đây. Âm thanh réo rắt đi vào lòng người, chẳng cần phải nói thật rõ. Đất Hà thành có nhiều quán cà phê chỉ mở cho khách nghe nhạc không lời và nhiều bạn trẻ tìm đến. Bởi có những lúc nhiều bạn trẻ muốn lắng đọng, sống chậm lại, trở nên cổ điển như phố xá dù ồn ào cũng có lúc rất yên bình.

Nghe tiếng đàn nghệ sĩ Phạm Văn Phúc và Vũ Bảo Lâm, dễ dàng nhận ra cuộc sống này vẫn còn nhiều khoảnh khắc dành cho sự gần gũi. Hai lão nghệ sĩ không nói mà đàn lên tiếng, trong tâm khảm người nghe hẳn có người ao ước mình biết chơi guitar, ít nhất để chinh phục bản thân, dành cho mình những thời khắc đẹp mà ở ngoài kia ồn ào đâu dễ dàng tìm được.

Guitar có thể làm mềm những ý nghĩ làm liều, bàn tay làm ác. Tôi nhớ nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm đã nói câu ấy và đến bây giờ vẫn đúng. Đó cũng là tâm niệm khiến ngày xưa các nghệ sĩ đã say sưa dạy guitar cổ điển. Tạ Tấn là người đầu tiên mở lớp dạy guitar tại Hà Nội. Nhóm “Thất cầm” có bảy người thì bốn người học Tạ Tấn. Ông là một trong những người góp phần thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Suốt cuộc đời giảng dạy ông đã góp phần hình thành một thế hệ guitar sau này nổi tiếng như Nguyễn Văn Dị, Lê Hùng Phong, Trần Văn Thân, Đặng Ngọc Long, Ngô Ðăng Quang…

2. Từ năm 1962 đến năm 1972 là những ngày tháng của tuổi trẻ sôi nổi của nhóm “Thất cầm” và nhiều nghệ sĩ khác, bởi họ không chỉ biểu diễn, mà tiếp nối thế hệ trước, các nghệ sĩ đã tích cực truyền dạy guitar tại Hà Nội. Nhìn vào những lớp học phân bố ở hầu khắp các quận, huyện của Thủ đô ngày đó sẽ thấy phong trào học sôi động ra sao. Nghệ sĩ Quang Tôn mở lớp dạy tại nhà tại 70 Cầu Gỗ; Vũ Bảo Lâm dạy ở 22 phố Hai Bà Trưng và đến gia sư cho nhiều con em ở các gia đình yêu nhạc; Nguyễn Tỵ vừa dạy võ thuật, vừa dạy guitar cho nhiều lớp trong khu vực quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai ngày nay.

Tôi thích guitar từ lúc nghe chàng trai công nhân xây dựng, đã bỏ chiếc áo công nhân xây dựng bê bết bụi bặm để khoác chiếc áo lãng tử, ôm guitar. Anh đã học lão nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm. Anh bảo, càng học chơi thì càng hay trong giới trẻ Hà thành phong trào học guitar khá phát triển. Trong muôn cách làm giàu có tinh thần thì chuyện học đàn, biết đàn là một cách thanh lọc tâm hồn khá tốt.

Giờ mỗi đêm dạo phố, tôi vẫn thường dừng bên phố quen, bởi ở đó có tiếng đàn từ một căn gác bình yên và tôi hiểu, tác giả của những giọt đàn ấy đang thổ lộ rất nhiều về lòng mình. Mùa xuân đẹp và đêm phố trầm lắng. Nên có những đêm khuya thu mưa, tôi không ôm đàn, mà mở nhạc không lời. Tiếng guitar rót vào đêm. Thế là đủ cho một nhịp điệu sống, một cảm giác tuyệt diệu về Hà Nội.

3. Hai nghệ sĩ ngồi chơi guitar ngẫu hứng trong quán, lúc này nghỉ thưởng thức hương vị của cà phê. Khách đông hơn và trật tự, như thể chờ đợi để được nghe thêm những bản nhạc. Âm nhạc kỳ diệu có khả năng kết nối, làm người gần người hơn. Cuộc sống này cần nhiều khoảnh khắc sống, những mùa xuân êm ấm. Một lúc nào đó, ở bất kỳ đâu khi lắng lại để tĩnh tâm và yêu đời, trân quý những điều giản dị, dù chỉ là một bản đàn nơi góc phố quen, ta cũng dễ dàng thấy mình được chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần