Nhớ nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Nghệ sĩ lãng tử, đa tài

Nguyễn Trung Hợi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa nhưng những áng thơ văn, những tác phẩm âm nhạc của anh còn sống mãi với công chúng cả nước.

Anh còn có một phong cách sống đặc biệt, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè. Chuẩn bị kỷ niệm 2 năm ngày mất của nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (7/1/2019 - 7/1/2021), chúng tôi có đôi dòng để tưởng nhớ anh, người con của mảnh đất Diễn Châu xứ Nghệ thân thương.

Nghệ sĩ đa tài

Nguyễn Trọng Tạo là thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ đa tài, đa tình; dòng thơ, dòng nhạc của anh như cuồn cuộn chảy, dâng trào cảm xúc của đời sống, lẽ sống... Bài thơ "Tản mạn thời tôi sống" Nguyễn Trọng Tạo vẽ nên bức tranh một thời gian khổ hy sinh, một thời cuộc sống con người thiếu thốn trăm bề: "Anh yêu em - anh phải đi ra trận/ Vợ yêu chồng - biết chờ đợi nuôi con/ Đất yêu người - đất nhận làm lá chắn/ Ba mươi năm không nguôi lửa chiến trường… Lúa ngậm đòng bão lụt đến xô bồ/ Nhà đang dựng thiếu xi măng, thiếu gạch/ Bao đám cưới chưa có phòng hạnh phúc/ Mây ngổn ngang lam lũ những dáng người/ Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật chẳng dễ dàng chi"...
 Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Khi buồn, khi vui những khoảnh khắc ấy trong thơ Nguyễn Trọng Tạo thật đa chiều. Với bạn, với thơ, với rượu là đề tài phong phú nhất trong thơ anh. Có người hỏi anh: “Trong hơn một nghìn bài thơ của anh có khoảng năm trăm bài thơ tình, có phải anh có năm trăm người tình không”. Anh trả lời hóm hỉnh: “Đúng là có khoảng năm trăm bài thơ tình nhưng có những bài tôi viết cho nhiều người và có nhiều bài tôi viết cho một người nên bao nhiêu người tình thì không đếm được”.

Thơ anh viết về quê hương, bạn bè, người thân đầy trăn trở, nghĩa tình và đầy thương cảm. Cái nhìn trong thơ Nguyễn Trọng Tạo thật tinh vi, sâu sắc, lời thơ bay bổng, nhẹ nhàng nhưng cũng thật là sâu cay. Trong bài "Đồng dao cho người lớn" có viết: “Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ Có con người sống mà như qua đời/ Có câu trả lời biến thành câu hỏi/ Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới… Có thương có nhớ có khóc có cười/ Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi"...

Bạn bè khắp nơi là vậy nhưng đôi lúc cũng cô đơn lắm, nỗi niềm ấy đã vào thơ anh và thơ cũng chảy vào lòng người một sự chia sẻ cảm thông đồng điệu. Trong bài thơ "Viết cho tôi": "Ném thân vào giữa bạn bè/ Ngày nâng ly, tối đêm về mắt chong… Thơ à ơi. Báo à ơi/ Văn chương loạn chuẩn thế thời đảo điên... Trở về căn hộ độc thân/ Cắm nồi cơm điện rân rân mi mày "...

Lãng tử, lạ thường

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đi nhiều, viết khỏe, anh viết như con tằm rút ruột. Ngoài những tập thơ đồ sộ, anh còn có những truyện ngắn, những giao cảm văn chương qua hàng trăm bài phê bình văn học. Với tính lãng mạn, ngang tàng khí phách, Nguyễn Trọng Tạo đã để lại trong thi đàn Việt Nam những vần thơ bốc lửa, những vần thơ thép, những vần thơ ca ngợi sự hy sinh... Ngòi bút của Nguyễn Trọng Tạo cũng là vũ khí đấu tranh sau chiến tranh.

Tôi rất may mắn là gần gũi và trò chuyện với anh nhiều, những câu chuyện đời ngắn dài từ cuộc rượu, để rồi hiểu ít nhiều về thơ và nhạc của anh, hiểu một ít về đời tư đầy những thăng trầm, sự nghiệp văn chương, nhạc họa thăng hoa hiếm có. Anh đã từng nói với nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi: “Tạo làm thơ là để sống, viết nhạc là để chơi”. Nhưng viết nhạc để chơi như Nguyễn Trọng Tạo thật hiếm và độc đáo, năm 1978 khi chưa biết làng quan họ nó nằm ở đâu, chỉ qua bài thơ của nhà thơ Phan Hách mà Nguyễn Trọng Tạo đã có một tác phẩm để đời, một tác phẩm viết về miền Kinh Bắc như là máu thịt, như anh đã từng sinh ra và lớn lên nơi miền quê xinh đẹp ấy.

"Làng quan họ quê tôi" là ca khúc đã được Hãng JVC (Nhật Bản) chọn làm đĩa karaoke 100 bài hát Việt Nam và từng được Dàn nhạc giao hưởng Leipzig (Đức) trình tấu. Nhạc sĩ Văn Cao cũng đã từng khen Nguyễn Trọng Tạo khi anh được nhà thơ Nguyễn Thụy Kha giới thiệu: “Đây là Nguyễn Trọng Tạo bác ạ”. “Thế à, đây là anh chàng người Nghệ nhận quan họ là quê phải không?”.

Rồi miền quê yêu dấu Thanh Chương, nơi con Sông Lam chảy qua trong thơ Lê Huy Mậu, cũng như tuổi thơ Nguyễn Trọng Tạo nơi con sông Bùng quê anh đất Diễn Châu, hai tâm hồn thơ nhạc đã hóa thành "Khúc hát sông quê" - một tuyệt phẩm âm nhạc đi vào lòng công chúng cả nước. Gần gũi thân thương, "Khúc hát sông quê" giúp người nghe như được trở về với tuổi thơ của mình, vì miền quê nào cũng có dòng sông, cũng lưng trâu đồng lúa.

Cái suy tư riêng của Nguyễn Trọng Tạo: "Nay mai tôi chết trong thơ/ Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi"... Cũng cho chúng ta thấy một Nguyễn Trọng Tạo lãng tử, lạ thường, cuộc đời anh phiêu diêu khắp mọi miền đất nước và để lại vô vàn tác phẩm cho cuộc đời, cho công chúng.

Những giải thưởng văn học nghệ thuật nhiều địa phương và giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật là dấu ấn của cuộc đời anh. Nhưng giải thưởng lớn nhất dành cho anh, cho thơ nhạc của anh là tình yêu của khán thính giả, độc giả cả nước. Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa nhưng tiếng vọng của thơ nhạc còn vang mãi, sống mãi trong lòng công chúng của quê hương đất nước.