Nhớ những ngày “gõ tường” đàm phán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ròng rã 6 năm với 21 vòng đàm phán chính thức, 4 phiên cấp Bộ trưởng và hàng chục phiên đàm phán không chính thức, ngày 5/10/2015, 12 nước tham gia đã ra tuyên bố chung chính thức hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về những khó khăn của quá trình đàm phán đầy cam go này.

Thưa ông, trong lúc không ai nghĩ có thể kết thúc đàm phán TPP vào ngày 5/10/2015 thì các nước tham gia lại đi đến thống nhất hoàn tất tiến trình này. Vậy, điều gì đã khiến các thành viên có thể đạt được thỏa thuận vào phút chót?

- Vòng đàm phán cuối cùng này được tổ chức tại Atlanta (Mỹ) từ ngày 30/9 để xử lý những vấn đề quy tắc xuất xứ của mặt hàng ô tô; thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược, đặc biệt là các đàm phán song phương, mở cửa thị trường dệt may, giày dép, sữa... Những vấn đề này không phải là lần đầu tiên đưa ra bàn thảo nhưng lại là nguyên nhân không nhỏ gây đổ vỡ của vòng đàm phán tổ chức tại Hawaii (Mỹ) vào tháng 7/2015. Vì vậy, những vấn đề tồn tại đó được các Bộ trưởng tập trung xử lý với thời gian dự kiến là 3 ngày (30/9 - 2/10). Nhưng đến ngày 3/10, có thông tin các nước Nhật Bản, Mexico, Mỹ có thể đạt được thỏa thuận với nhau về mặt hàng ô tô. Lúc đó, chúng tôi hiểu rằng, Hiệp định TPP đã rất gần rồi, và không một ai muốn rời Atlanta mà không có kết quả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (ngoài cùng bên phải) và  Trưởng đoàn các nước  sau khi hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP, ngày 5/10/2015.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (ngoài cùng bên phải) và Trưởng đoàn các nước sau khi hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP, ngày 5/10/2015.
Trong những ngày đàm phán nước rút cuối cùng, Việt Nam đã thể hiện vai trò như thế nào, qua đó góp phần làm nên sự thành công này?

- Trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước làm nên vấn đề đa phương kinh tế, đây chính là đóng góp to lớn của Đoàn đàm phán Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong quá trình đàm phán. Tại vòng đàm phán thứ 21, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có cuộc gặp rất quan trọng với Bộ trưởng một số nước như Mexico, Mỹ… Tại các cuộc gặp đó, Bộ trưởng cùng các đối tác xác định, thỏa thuận các nguyên tắc lớn. Dựa trên cơ sở các nguyên tắc lớn đó, chúng tôi mới có thể đàm phán ở những vấn đề cụ thể.

Ông có thể chia sẻ những khó khăn của đoàn Việt Nam trước hàng loạt yêu cầu của đối tác để có đối sách phù hợp trong quá trình đàm phán?

- Thời gian đàm phán kéo dài bởi các nước trong đó có Việt Nam đều có những yêu cầu mà các nước tham gia Hiệp định phải đáp ứng, những yêu cầu này giống như bức tường ngăn cách những người “hàng xóm” có thể bắt tay giao lưu.

Tuy nhiên, trong những yêu cầu này có những điểm mang tính chất thăm dò, giống như “bức tường” này có chỗ dày, chỗ mỏng. Với người thợ xây dựng muốn biết được bức tường đó chỗ nào mỏng, họ sẽ lấy cái búa gõ nhẹ lên từng phần bức tường rồi lắng nghe tiếng động. Điểm nào khi gõ búa cho âm thanh trầm chắc chắn là chỗ tường dày, ngược lại những điểm có âm thanh bổng sẽ là tường mỏng… Căn cứ vào đó, người thợ chỉ cần chọn chiếc búa phù hợp đập nhát búa quyết định vào chỗ tường mỏng là cả bức tường sụp đổ, hai người hàng xóm có thể bắt tay trực tiếp.

 Như vậy, trước khi hạ bút ký kết TPP, Việt Nam và các nước đã phải mất đến 21 vòng đàm phán để thăm dò ý kiến, yêu cầu từ phía đối tác nhằm xác định điều nào là phía họ thực sự cần, điều nào họ đưa ra chủ yếu để thăm dò quan điểm của Việt Nam, từ đó đưa ra phương án phù hợp. Tại vòng đàm phán cuối cùng, chỉ trong vòng 2 - 3 ngày, các nước đã thỏa thuận được những vấn đề mà họ quan tâm trước khi hạ bút ký kết Hiệp định. Điều này cũng giống như người thợ xây, trong quá trình “gõ tường” đã phát hiện chỗ tường mỏng nhất để đập nhát búa quyết định.

Các chuyên gia kinh tế đều có chung ý kiến đánh giá TPP là một hiệp định mang tính lịch sử. Điều gì đã tạo ra dấu ấn lịch sử này, thưa ông?

- Rất nhiều Bộ trưởng các nước tham gia TPP đều có chung ý kiến, Hiệp định mang tính bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử bởi tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay bao gồm 12 quốc gia. Trước đây, chỉ có ASEAN là khu vực có 10 nước tham gia, nhưng khi TPP được các nước hạ bút ký sẽ tạo khu vực thương mại tự do chiếm hơn 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu. Khi có một khu vực thương mại tự do rất lớn như vậy thì đó chính là thời khắc rất quan trọng trong lịch sử thương mại thế giới.

Hơn nữa, so với các FTA trước đây, TPP cũng là một FTA có phạm vi cam kết rộng lớn hơn và có mức độ cam kết sâu hơn. Như vậy, TPP là điển hình của các FTA thế hệ mới. TPP đề cập không chỉ các vấn đề thương mại truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ, vật tư, mà cả những vấn đề thương mại phi truyền thống. Ví dụ như lần đầu tiên các nước bàn bạc về DN Nhà nước trong một khu vực thương mại tự do. Tức là bên cạnh các vấn đề thương mại truyền thống, các vấn đề mới đặt ra trong đầu thế kỷ XXI cũng được đề cập đến. Chính vì vậy làm cho TPP khác biệt so với các khu vực thương mại tự do khác.

Với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, ông có lời khuyên gì cho DN Việt Nam nên đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng nào để vừa tận dụng được những thuận lợi, đồng thời hạn chế những khó khăn mà TPP mang lại?

- Rất khó để trả lời câu hỏi này, bởi mỗi DN nhìn nhận đàm phán TPP dưới một góc độ khác nhau. Không thể có một câu trả lời chung cho DN thủy sản hay dệt may…, mỗi DN có một câu trả lời khác nhau.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, các DN của chúng ta vẫn còn có thói quen ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình phát triển. Để tận dụng được những cơ hội và vượt qua thách thức mà TPP mang lại thì chính bản thân các DN phải nghiên cứu Hiệp định TPP một cách kỹ lưỡng, từ đó tự xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, không nên quá trông chờ vào sự chỉ đạo của Nhà nước theo kiểu giao kế hoạch năm và phải hoàn thành như thời bao cấp. Theo tôi, với tinh thần đó, các DN của chúng ta chắc chắn sẽ thành công.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!