Nhớ thương chợ Vẽ

Nguyễn Văn Học
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi dời đến ở làng Vẽ Đông Ngạc (thực ra là phường Đông Ngạc) trong một suy nghĩ, đó là làng khoa bảng, làng văn hiến. Đó là môi trường văn hóa tốt để cho bọn trẻ hấp thụ, trưởng thành.

Làng Vẽ Đông Ngạc là làng khoa bảng, làng văn hiến lâu đời tại Hà Nội
Làng Đông Ngạc xưa, phường Đông Ngạc nay hoàn toàn xứng đáng để được đánh giá là một trong những làng cổ nhất, khoa bảng nhất, đặc biệt lưu giữ được nhiều di tích, nhiều nét văn hóa làng xã nhất ở khu ngoại ô Hà Nội hiện nay. Chỉ cần nói đến chợ Kẻ Vẽ cũng đủ cho tôi một sự ấm áp, yên bình và nhộn nhịp của một làng quê văn hiến đang trong thời đô thị hóa từ xã lên phường…
Người ở đây thích dùng từ “làng” để nói đến địa phương mình hơn dùng từ “phường”. Đó là một thói quen văn hóa đáng yêu. Vì thế, chợ thường gọi là chợ Vẽ. Chợ ngày nay ở sát cổng chùa Tư Khánh - ngôi chùa cổ hơn 300 năm của Kẻ Vẽ. Vị trí của chợ cũng là điều đáng nói. Chợ họp ở cổng chùa dân gian thường gọi là chợ Tam bảo.
Chợ ấy không chỉ mang chức năng thuần túy của chợ buôn bán, mà gánh luôn chức năng tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa. Xưa nay, chùa, đình, miếu, văn từ văn chỉ có bia đá là chuyện thường thấy, nhưng bia chợ (Bia chợ tam bảo) thì không có nhiều, thậm chí rải rác rất ít ở Bắc Bộ.

Sách Thiên Nam dư hạ ghi nhận chợ Vẽ là 1 trong 10 chợ lớn của huyện Từ Liêm. Chợ nằm sát bến sông Hồng, với phương tiện giao thông chủ yếu bằng đường thủy, mà bến Vẽ là một bến sông khá gần Thăng Long thì đây là nơi rất thuận tiện cho hàng hóa tập trung về. Vào phiên chợ, các bè gỗ, mây song, tre nứa, nâu vỏ, trâu bò... từ miền ngược xuôi về. Mắm muối, cá tôm... từ miền biển ngược lên. Thời cổ chợ họp ở khu đất bên ngoài xóm Hàng Quang ra mãi áp bờ sông, nên thường gọi là “trên làng dưới chợ”.
Còn xóm Hàng Quang thì như một con phố buôn bán, hai bên là 2 dãy cửa hàng chuyên bán quang gánh và vật liệu như mây song chẻ sẵn dùng làm quang gánh. Về sau do nước sông hằng năm làm xói lở bến, người ta phải họp từ dốc chợ Lụa qua Bến Ngự đến Hàng Quang và chợ cũ mới đủ chỗ để người đi lại mua bán. Rồi để thuận tiện hơn, người ta dời chợ lên đầu làng, trên một khu đất rộng, trước mặt giáp đường đê, đằng sau giáp chùa Cả…

Xưa đã vậy, nay thì sao?

Ấn tượng ngày đầu tiên đến chợ Vẽ và cũng là cảm giác vĩnh viễn khi nghĩ đến đây chính là tình người, tình làng của những người buôn bán. Ấy là buổi chiều tà khi đến chợ, dù chợ đông, vạn người mua, trăm người bán, xe máy, xe đạp, ô tô chen lẫn nhau, nhưng không tắc đường. Ai nấy đều nhường nhịn, tránh nhau trong ánh mắt cười vui vẻ.

Rồi những năm tiếp theo, quan sát tôi không thấy chợ bị tắc đường bao giờ. Tuần tự ngày hai thời điểm đông người là sớm hôm và chiều tà, lúc nào cũng tuần tự và nhẹ nhàng vậy. Sau tôi mới hiểu ra, những người ở đây đều là hậu duệ của những dòng họ khoa bảng trong làng như Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng. Toàn con cháu dòng dõi và họ đã tạo ra một môi trường văn hóa của một làng khoa bảng.

Chợ dân sinh thuần túy, nên hàng hóa chủ yếu là thực phẩm và đồ gia dụng. Ấn tượng không thể quên chính là thái độ của những người bán hàng ở chợ. Mở hàng hay chưa mở hàng, mua hay không mua, hễ đến xem hàng đều vui vẻ. Thích nhất là mỗi lần bận rộn, xe chở hàng nặng, chằng trước, buộc sau, ngồi trên xe bảo chị bán hàng cho mấy lạng thịt, tôi được chị bán hàng mang ra treo vào móc treo hàng trên xe một cách thân tình…

Hạnh phúc sống trong làng Vẽ không chỉ thế, mà có một điểm không dễ có được là chuyện cá sông. Cũng bởi là làng ven sông Hồng – con sông chuyên chở cho cả nền kinh tế lẫn nền văn minh sông Hồng ấy đã mang lại cho làng nguồn cá, tôm phong phú. Cao hơn nữa, đó là nguồn thực phẩm tự nhiên, rất sạch mà tôi luôn thích giữa lúc thực phẩm đang tràn lan ô nhiễm này. Thường cứ 16 – 17 giờ, ra cuối chợ bao giờ cũng có một số hàng cá, tôm nho nhỏ, trên bày những con cá cũng nho nhỏ, từ cá măng, cá vược, đến cá chép, cá chày màu trắng và những con tôm mình ngắn nhưng béo tròn. “Cá sông xịn đấy!” - tôi hay nói với bạn bè thế và cũng hay mua khi có bạn đến chơi.

Và, chẳng gì hạnh phúc hơn khi chiều chiều, tan giờ làm về đón con đi học gần đó, rẽ qua chợ chỉ để mua những mớ rau, tấm bánh của những cụ già hiền hậu quảy quang gánh, đầu đội nón lá ngồi đầu chợ. Đó là chút ít sản phẩm mà các cụ lấy từ vườn nhà mang đi bán để có thêm tiền mua cau, trầu. Tôi thường vẫn nhắc con trai tôi, đi chợ mà gặp những cụ già bán hàng như vậy thì nên mua, không có nhu cầu hàng hóa thì cố mua cho cụ một ít để động viên, bởi xưa kia mẹ, bà, tổ tiên cha ông ta ở quê cũng bán hàng như vậy…

Sống ở Đông Ngạc lâu ngày, tôi không thay đổi thói quen đi chợ Vẽ. Chợ gần chùa, nằm trên trục đường cuối làng là một nhẽ, nhưng cốt yếu, chợ chính là tấm gương phản chiếu kinh tế và văn hóa của người làng khoa bảng Đông Ngạc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần