Nhờ vaccine, Mỹ dẫn trước châu Âu trong cuộc chiến chống Covid-19

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ 5 người ở Mỹ thì có 1 người ở đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, trong khi ở hầu hết các nước Châu Âu, cứ 10 người thì chưa tới 1 người được tiêm liều thứ nhất.

Tình hình chống dịch ở Mỹ đã có những dấu hiệu khả quan, khi số ca tử vong do Covid-19 giảm mạnh. Các bang bắt đầu nới lỏng hạn chế và mở rộng việc tiêm chủng cho những người trẻ tuổi. Trong khi đó, trên khắp châu Âu, nỗi sợ hãi lại bao trùm trước làn sóng bùng phát mới, khiến loạt trường học, quán ăn đóng cửa. 
 Bệnh nhân mắc Covid-19 tại Pháp được đưa lên máy bay để chuyển đến một bệnh viện phía Tây đất nước. Ảnh: AP
Hai tiến trình trái ngược của đại dịch trên hai lục địa có thể giải thích do quá trình triển khai vaccine ở Mỹ thành công hơn, trong khi biến thể tại châu Âu khiến cuộc chiến chống đại dịch trở nên phức tạp. Về việc này, các chuyên gia y tế tại Mỹ cũng cho rằng, những gì đang xảy ra ở Châu Âu là lời cảnh báo chống lại việc phớt lờ giãn cách xã hội hoặc từ bỏ các biện pháp chống dịch quá sớm. Kết quả là số ca nhiễm mới và số ca nhập viện tăng đột biến ở một số quốc gia châu Âu trong vài tuần qua.
Tỷ lệ nhiễm Covid-19 mới của Ba Lan đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 2, đặt nặng áp lực lên hệ thống y tế nước này, dẫn đến quyết định phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tuần kể từ ngày 17/3. Italia đã đóng cửa hầu hết các trường học vào đầu tuần này trong khi tại Pháp, các quan chức đã áp đặt các đợt phong tỏa vào cuối tuần xung quanh khu vực Riviera ở phía Nam và eo biển Manche ở phía Bắc, đồng thời đang chuẩn bị các hạn chế mới cho thủ đô Paris.  
Serbia tuyên bố phong tỏa toàn quốc đến cuối tuần này, bao gồm việc đóng cửa tất cả cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Đất nước 7 triệu dân này ghi nhận hơn 5.000 trường hợp mắc mới vào ngày 16/3, con số cao nhất trong nhiều tháng. Những số liệu này tại Mỹ có phần đáng lạc quan hơn. Số ca tử vong hàng ở Mỹ giảm xuống dưới 1.300,  từ mức 3.400 của 2 tháng trước. Các nỗ lực tiêm chủng nói chung của Liên minh châu Âu tụt hậu xa so với Anh và Mỹ, do tình trạng thiếu hụt vaccine và các rào cản khác.
Cứ 5 người ở Mỹ thì có 1 người ở đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, trong khi ở hầu hết các nước châu Âu, cứ 10 người thì chưa tới 1 người được tiêm liều thứ nhất.
Trong một bước ngoặt khác đáng lo ngại, nhiều quốc gia châu Âu - bao gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý - đã đình chỉ sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, do báo cáo về các hiện tượng đông máu ghi nhận ở một số ít người được tiêm, dù các nhà quản lý cho biết không có bằng chứng liên quan tới vaccine.
Tiến sĩ Amesh Adalja, một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, cho biết các quốc gia châu Âu không triển khai chương trình tiêm chủng kịp thời để ngăn chặn các biến thể dễ lây lan.