Nhớ về một thời hoa lửa

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hơn 500 trang, cuốn sách “Nơi ấy là chiến trường” là những ghi chép rất tỉ mỉ, cụ thể nhưng vô cùng xúc động của chàng trai ngoài 20 tuổi Phạm Quang Nghị - sinh viên Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp (ngày nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) về người chiến sĩ nơi chiến trường.

Bức tranh chân thực của thời chiến
Cuốn sách được chia làm 8 phần lớn như: Vượt Trường Sơn, ở R, Về miền Đông, Nhịp sống đồng bằng, Người vùng ven, Tây Ninh ngày ấy, Gặp gỡ Sài Gòn, Ngày trở về. Bên cạnh đó còn có các phần Phát biểu trước ngày lên đường đi B, Lời kết, cùng một số nhận định, cảm nhận của các nhà văn, nhà báo. Phần cuối của cuốn sách là một số hình ảnh và tư liệu về những ngày tác giả Phạm Quang Nghị ở chiến trường.
Ngay ở những đầu trang sách “Nơi ấy là chiến trường”, những dòng đầu tiên mà nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chắp bút là để dành kính tặng mẹ và bạn bè, đồng đội, người thân, những vùng đất gian lao và anh dũng - nơi ông đã sống và chiến đấu trong những tháng năm chiến tranh vô cùng ác liệt.
 Lễ ra mắt cuốn sách ''Nơi ấy là chiến trường'' của tác giả Phạm Quang Nghị.
“Mẹ! Mẹ! Mẹ ơi… Con gọi từ ngày xa nhà, cho đến hôm nay, từ đỉnh núi cao vời vợi, con tưởng tiếng gọi của con sẽ bay về quê hương, đêm nay sẽ đến tai mẹ. Mẹ thương của con ơi, mẹ cố sống chờ con, con sẽ về với mẹ” rồi “Và còn em ta, đứa em gầy yếu thông minh. Anh ra đi, em có khỏe hơn không? Chắc em sẽ lớn lên nhỉ? Anh cầu mong em sẽ tiếp tục học hành và sẽ trở thành niềm an ủi của mẹ cha”.
Cũng chính từ tình yêu này đã giúp tác giả vượt qua biết bao mưa bom, bão đạn; vượt qua cái khốc liệt đến nghẹt thở của cuộc chiến; vượt qua những cơn sốt rét rừng khiến "từng tế bào rung lên bần bật", khiến "hai lỗ tai cứ âm ỉ như nằm trên miệng tổ giun".
Theo nhà văn Chu Lai, “Nơi ấy là chiến trường” tạo nên bản hùng ca kháng Mỹ dựa trên giai điệu thì thầm, khe khẽ hồ hởi, đó là hơi thở của người lính. Bên cạnh đó, với người lính ở chiến trường hình ảnh của người mẹ vẫn luôn trong tâm trí của họ.
Còn đối với nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Công Soái, cuốn sách như một bộ phim tái hiện chân thực về chiến tranh, về quê hương, đất nước, về cuộc sống, về tâm trạng người chiến sĩ, người dân và các đối tượng bên kia chiến tuyến. Cách viết không cường điệu, không tô hồng, không “lên gân lên cốt”.
Điều đặc biệt, trong những năm ở chiến trường, ngoài việc phản ánh chân thực tác giả luôn dành tình cảm đối với người mẹ kính yêu của mình. Bằng giọng văn ghi chép không cầu kỳ và rất đỗi chân thực, người lính Phạm Quang Nghị đã ghi lại những gì ông thấy, biết, nghe được trên suốt dọc đường hành quân từ Bắc vào Nam. Những gì ông đã trải qua trong những năm tháng sống giữa lòng địch, cùng đồng đội góp phần tổ chức những cuộc đấu tranh du kích của đồng bào miền Đông cũng như miền Tây Nam Bộ theo cách riêng của một người lính làm công tác tuyên giáo.
Những trang sách của năm tháng
Trong lời tựa đề của cuốn sách đã giới thiệu: “Tác giả Phạm Quang Nghị đã tình nguyện đi vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khi còn rất trẻ. Ông vừa cầm súng, vừa cầm bút ghi lại những câu chuyện, những suy nghĩ và cảm xúc của mình về gia đình, về đồng đội và về cuộc chiến tranh. Những trang viết thật giản dị và súc tích nhưng lại cho người đọc thấy được toàn bộ sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần dâng hiến cho Tổ quốc của những người lính".
Những trang ghi chép ngày ấy của tác giả có sức hút kỳ lạ. Người đọc có thể chiêm nghiệm thấy những gì thế hệ cha anh đã trải qua. Và đọc để thấy những chứng cứ xác thực về cuộc chiến có 1-0-2 của dân tộc, của Nhân dân Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh, đây là một cuốn nhật ký chân thực và cảm động và có ý nghĩa chống lại mọi sự lãng quên. “Cứ như cái tên “Nơi ấy là chiến trường” thì cuốn nhật ký phản ánh hiện thực chiến tranh. Nhưng hiện thực chiến tranh đâu chỉ có bom đạn, sống chết mà còn là và rất quan trọng là tình cảm, tâm trạng, chiều sâu của tư tưởng, của hồn người.
Rất tự nhiên, anh Phạm Quang Nghị đã thực hiện được cả hai yêu cầu ấy một cách sống động, hài hòa, tự nhiên như chính cuộc sống. Vì vậy, chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm mà tôi đọc lại những trang nhật ký của anh vẫn thấy cuốn hút, mới mẻ, cảm động và gần gũi như vừa mới hôm qua” - nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Với “đứa con tinh thần” của mình, tác giả Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ: “Trong suốt những năm tháng chiến tranh cho tới ngày rời TP Sài Gòn ra Bắc, chỉ trừ những lúc hoàn cảnh thật sự không thể cho phép, như hành quân liên miên thâu đêm, giặc cản và bom pháo quá dữ dội; những lúc không có ánh sáng kể cả ánh trăng sao hoặc không có nơi ngồi để viết, còn lại hầu như mỗi ngày tôi đều ghi nhật ký”.
“Lẽ ra, tôi sẽ để cho những trang nhật ký này ngủ yên trong góc tủ hay nằm yên ở đâu đó như nó đã nằm yên suốt gần nửa thế kỷ qua. Song thời gian khiến cho những cuốn sổ ghi chép, những trang nhật ký đã bị hư hại hết sức nặng nề. Nhiều trang giấy đang tiếp tục bị mục nát, nhiều hàng chữ đã mờ hết mực… Và cái điều thiêng liêng đáng nói hơn là những ký ức một thời về những sự kiện, con người, địa danh đã được ghi trong đó”- tác giả Phạm Quang Nghị chia sẻ.
 “Cách ghi chép của tác giả Phạm Quang Nghị công phu, tỉ mẩn, cụ thể, đó không chỉ là những thông tin tư liệu lịch sử quý báu cho thế hệ sau này mà còn là bài học cho những người làm báo học hỏi. Cuốn nhật ký cho thấy tấm gương trong trẻo của một thế hệ thanh niên, sinh viên, trí thức thời đó với trách nhiệm với Tổ quốc…” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi