Nhớ về những phố sách thân yêu

Chiến Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi sinh ra ở Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 30 cây số. Với giao thông phát triển như bây giờ, khoảng cách đó được nối liền chỉ sau hơn 30 phút chạy xe. Vậy mà, hồi bé, những đứa trẻ nông thôn như tôi luôn phải nhìn bạn đồng trang lứa đến từ Thủ đô với những ánh nhìn thèm thuồng, ghen tị khi có đứa em họ sống ở Hà Nội về nghỉ hè ở quê, mang theo một ba lô đựng đầy sách, rồi hỏi: Anh đã đọc những cuốn này chưa?

Độc giả tìm mua các ấn phẩm tại Hội sách năm 2017 diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Những cuốn sách mà đứa em mang từ Hà Nội về quê, ngoài sách tham khảo, còn cơ man nào là các loại truyện, văn học, từ cổ chí kim, từ Đông đến Tây, đủ thể loại. Trong khi, cuốn sách giáo khoa phổ thông tôi học còn sờn rách, thiếu trang vì được chuyền tay qua nhiều thế hệ, sách tham khảo chỉ có một vài cuốn, chẳng có cuốn nào là hàng “hiếm”. Thảo nào, cùng tuổi tôi mà đứa em nói chuyện hiểu biết, chững chạc, văn hoa hơn hẳn. Có người nói, kiến thức, phông văn hóa của một con người thể hiện qua số lượng những đầu sách mà họ đã từng đọc qua, ngẫm cũng chẳng sai. Lúc đó, tôi chỉ ao ước mình thi đỗ một trường đại học nào đó trên Hà Nội, để lên đó, được tha hồ đi tìm sách đọc, không phải đọc nhờ, trong cái nhìn đầy cảm thương của đứa em đồng niên.
Rồi ước mơ của tôi cũng thành hiện thực. Và, cái mong muốn được đọc sách kia nhanh chóng được thực hiện dễ dàng vì khu trường tôi học gần ngay “phố sách cũ đường Láng”. Hồi đó, đường Láng chưa rộng rãi, thênh thang như bây giờ. Nó chật hẹp nhưng lãng mạn, thư thái hơn bởi lượng xe lưu thông qua lại rất ít. Trên vỉa hè, dưới tán là xà cừ, những người buôn sách cũ bày bán la liệt cả một đoạn đường dài hàng cây số. Những ngày nghỉ hoặc buổi chiều tà, tan học, tôi thường đạp xe lên đó, chủ yếu để “đọc ké” là chính, vì dù là sách cũ, giá rất rẻ, nhưng đâu có nhiều tiền để mua. Chỉ cuốn nào thật đặc biệt, tôi mới quyết tâm rút ví tiền ra mua về. Kiểu đọc sách bên vỉa hè, giữa tuyến đường người ta qua lại, cũng có cái thú riêng của nó. Vừa say mê, vừa thẹn thùng, ngài ngại. Được cái, chủ của những cuốn sách, thường là những người từ quê lên ấy cũng thông cảm cho các sinh viên nghèo, ít khi gây khó dễ.

Nhắc đến phố sách cũ, lại nhớ những ngày rong ruổi khắp các hàng sách khu đường Láng, phố sách cũ khu Nguyễn Phong Sắc, gần cụm trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Sư phạm 1… Hiện nay, các phố bán sách cũ trên vỉa hè cũng đã biến mất, trước những đợt chỉnh trang, mở rộng tuyến phố. Người muốn mua sách đã tìm đến những phố mới như Lê Thạch, Nguyễn Xí, khu vực Bờ Hồ, nơi người ta để sách trong những chiếc kệ sang trọng. Đáp ứng nhu cầu đọc sách của người Thủ đô, TP Hà Nội cũng thường xuyên mở các triển lãm, hội chợ, lễ hội sách mang tính thường niên, với nhiều chủ đề khác nhau. Điển hình như Hội sách định kỳ tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), với những chủ đề như: TP vì hòa bình; Sách và Di sản; Sách và Hội nhập; Sách và Khởi nghiệp… Đặc biệt, vừa qua, Hà Nội còn mở thêm Phố sách hoạt động cố định tại phố 19/12 (quận Hoàn Kiếm)…

Những cách làm đó đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Thủ đô đối với sách và văn hóa đọc của người dân Hà thành trước thời kỳ công nghệ số đang lên ngôi. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, người ta có thể đọc được tất tần tật những gì mình muốn chỉ qua chiếc điện thoại di động thông minh có kết nối mạng. Nhưng, cách đọc đó dù có tiện dụng, tân tiến đến đâu chăng nữa, thì chắc chắn, nó cũng không thể thay thế được nhu cầu, thói quen ngồi lật giở từng trang sách còn thơm mùi mực để đọc. Và những ai đã từng gắn bó với Hà Nội, khi đi xa, lúc nhớ về, chắc chắn sẽ rưng rưng hiện lên trong đầu nỗi nhớ về những phố sách nhỏ bé, xinh xinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần