Nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc bị điều tra bán phá giá

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim... xuất xứ từ Trung Quốc.

Cục Phòng vệ thương mại (thuộc Bộ Công Thương) vừa cho biết Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình xuất xứ từ Trung Quốc.
 Ảnh minh họa.
Các sản phẩm trong diện điều tra gồm mã HS: 7604.10.10; 7604.10.90; 7604.21.90; 7604.29.10; 7604.29.90 xuất xứ từ Trung Quốc. Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá trong khoảng thời gian tháng 1-12/2018.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, từ giữa tháng 10/2018, đơn vị này nhận được hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các mặt hàng trên của 4 công ty sản xuất nhôm thanh định hình là Công ty CP Nhôm Austdoor, Công ty CP Nhôm Sông Hồng, Công ty TNHH Tung Yang và Công ty CP Tập đoàn Mienhua.
Bộ Công Thương cho biết 4 doanh nghiệp này đáp ứng đủ điều kiện để được coi là đại diện của ngành sản xuất trong nước và được phép yêu cầu cung cấp cơ sở hợp lý để tính toán biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu xuất xứ từ Trung Quốc.
Phía nguyên đơn đề nghị biên độ điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa bị điều tra của Trung Quốc ở mức 35,58%.
Ngoài ra, theo quy định Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Do đó, cơ quan điều tra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.
Đây là vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên trong năm 2019 do Việt Nam khởi xướng. Năm ngoái, nhôm Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam đã buộc ngành hải quan phải có văn bản yêu cầu "siết" nhập khẩu mặt hàng này, đồng thời kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong khai báo mã hàng nhằm trốn thuế, gian lận thương mại.